Dữ liệu thống kê trong 24 giờ qua cho thấy tiền ảo phổ biến và giá trị nhất thế giới giao dịch thấp nhất tại 19.763 USD và cao nhất tại 20.860 USD.
Theo CoinMarketCap, khối lượng giao dịch Bitcoin trong khoảng thời gian này vào khoảng 28,6 tỷ USD, vốn hóa thị trường ở mức 383 tỷ USD.
Trên sàn Vicuta, sàn giao dịch được nhiều người Việt quan tâm, giá mua – bán Bitcoin giảm xuống mức 469 – 493 triệu đồng.
Thị trường tiền ảo cũng lập tức rơi vào lửa đỏ khi hàng loạt tiền ảo vốn hóa lớn lao dốc. Cụ thể, Ethereum giảm 6,06%, Binance Coin giảm 1,7%, Ripple giảm 1,42%, Cardano giảm 4,1%, Solana giảm 5%, Dogecoin giảm 5,6%, Polkadot giảm 3,8%, TRON giảm 2,7%...
Tổng vốn hóa toàn thị trường ngay lập tức “bốc hơi” hơn 3,36% còn 889 tỷ USD.
Theo giới phân tích, lạm phát tăng cao tại Mỹ đi kèm đợt nâng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tác động tiêu cực đến Bitcoin và thị trường tiền ảo.
Thêm nữa, việc nền tảng giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới Binance tạm ngừng hỗ trợ rút Bitcoin và cuộc khủng hoảng thanh khoản tại công ty cho vay tiền mã hóa Celsius cũng góp phần khiến thị trường rơi vào cảnh bán tháo.
Arthur Hayes, cựu Giám đốc điều hành sàn BitMEX, ngưỡng 20.000 USD là mốc hỗ trợ quan trọng của Bitcoin. Nếu mất mốc này, tiền ảo sẽ gặp áp lực bán tháo nghiêm trọng.
Theo Yuya Hasegawa, chuyên gia phân tích thị trường tiền điện tử tại sàn giao dịch Bitbank, với quá nhiều điều bất ổn về kinh tế, giá của Bitcoin vẫn có thể giảm mạnh.
Dưới góc nhìn có phần bi quan, ông Ian Harnett, đồng sáng lập, Giám đốc đầu tư tại Absolute Strategy Research, dự báo đồng tiền mã hóa hàng đầu thế giới có thể rơi xuống ngưỡng 13.000 USD/đồng, tức giảm gần 40% so với mức hiện tại.
Harnett cho rằng sau thời gian tăng giá mạnh, giá Bitcoin có xu hướng giảm khoảng 80% so với mức kỷ lục. Chẳng hạn, vào năm 2018, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã giảm xuống sát ngưỡng 3.000 USD/đồng sau khi đạt đỉnh gần 20.000 USD/đồng hồi cuối 2017.