Giá trị hàng hoá phục vụ tết Canh Tý của Hà Nội tăng gấp 2,5 lần so với kế hoạch

Hiện nay có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đã đăng ký, dự trữ lương thực thực phẩm, hàng hóa bình ổn trị giá 9.412 tỷ đồng (gấp 2,5 lần so với kế hoạch được giao).
Giá trị hàng hoá phục vụ tết Canh Tý của Hà Nội tăng gấp 2,5 lần so với kế hoạch

Trong đó mặt hàng thịt và các sản phẩm thực phẩm chế biến đăng ký dự trữ bảo đảm theo nhu cầu.

Riêng mặt hàng thịt lợn, thành phố đã chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thay thế một phần nhu cầu thịt lợn trong dịp Tết. Đồng thời chủ động phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có sản lượng chăn nuôi thịt lợn cao, ít bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi để doanh nghiệp kết nối nguồn cung, bảo đảm nguồn cung tại hệ thống… nên dự báo tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến khó có thể xảy ra.

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, trung bình mỗi tháng, người dân Thủ đô tiêu thụ khoảng 93.000 tấn gạo, 18.594 tấn thịt lợn hơi, 5.300 tấn thịt bò, 6.200 tấn thịt gà, 5.200 tấn thủy hải sản... Trong các dịp lễ, Tết nhu cầu thịt lợn tăng lên 22.300 tấn/tháng, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng khiến nguồn cung giảm sút mạnh. Hiện đàn lợn toàn TP Hà Nội có 1,18 triệu con, giảm 33,4% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong 10 tháng giảm 16,4%.

Để bảo đảm nguồn hàng thực phẩm phục vụ dịp Tết Canh Tý 2020, Sở đã đẩy mạnh kết nối cung - cầu với các tỉnh, thành cả nước. Cụ thể, tháng 10 vừa qua, đơn vị đã phối hợp với Sở Công Thương Bắc Giang tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế. Trong tháng 11 tới, Sở sẽ tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu giữa Hà Nội với trên 50 tỉnh, thành, trong đó chú trọng mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, thủy hải sản thay thế sản phẩm thịt lợn đang thiếu hụt nguồn cung.

Đồng thời, từ nay đến cuối năm 2019, Sở sẽ phối hợp với các tỉnh Hòa Bình, An Giang, Long An, Hà Giang, Quảng Ninh... tổ chức Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi, nông thuỷ sản an toàn, tổ chức Hội chợ Tết; đặc sản vùng miền...

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, để đẩy mạnh kết nối tiêu thụ thì bản thân các cơ sở chăn nuôi, sản xuất hàng nông sản phải đặt uy tín lên hàng đầu, duy trì cung ứng sản phẩm chất lượng tốt, phải truy xuất được nguồn gốc. Sản phẩm phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí để có thể đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại. Đặc biệt, đa dạng hình thức xúc tiến thương mại, qua đó quảng bá thương hiệu tới người tiêu dùng và doanh nghiệp bán lẻ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm