Đại diện Bộ Công Thương cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt mức 7,08%, cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây là một kết quả quan trọng cho thấy thu nhập của người dân tăng, sức mua tăng, tạo động lực hỗ trợ cho thị trường hàng hóa phát triển.
Trong năm vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 4.395.705 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 12,41%, cao hơn mức tăng chung và hơn mức tăng nhóm bán lẻ hàng hóa của 5 năm gần đây.
Bên cạnh đó, thị trường hàng hóa trong nước mặc dù chịu ảnh hưởng của giá hàng hóa thế giới có biến động tăng và nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm giảm gây tăng giá. Song, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc điều tiết thị trường, điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý một cách linh hoạt, hiệu quả.
"Lạm phát được kiểm soát tốt, niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng được củng cố," đại diện Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay.
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới, với các yếu tố tích cực từ nền kinh tế cả nước đang khởi sắc, cùng với thu nhập từ lương, thưởng Tết tăng, Bộ Công Thương nhận định sức mua trên thị trường sẽ tăng khá, dự kiến mức tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường trong năm.
Do vậy, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, ngay từ tháng 10/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan lên kế hoạch cụ thể và triển khai các hoạt động chuẩn bị hàng hóa, các chương trình phục vụ Tết cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ với giá bình ổn nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm.
Để nắm tình hình thực tế triển khai công tác chuẩn bị Tết tại các địa phương, trong tháng 12/2018, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đoàn làm việc tại một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hà Nam,Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai...
Tại các địa phương, thực hiện Chỉ thị của Bộ Công Thương, các Sở Công Thương cũng đã đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai kế hoạch Tết của địa phương.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến nay, hầu hết các địa phương trên cả nước đã và đang tích cực triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, trong đó có nhiều địa phương triển khai Chương trình bình ổn thị trường.