Theo nhận định, do đà giảm dầu thô trên thế giới, nhiều khả năng giá xăng giảm khoảng từ vài trăm cho đến sấp xỉ 1.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá xăng dầu sau kỳ nghỉ lễ tăng hay giảm còn phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới trong những ngày tới và đặc biệt phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí có điều chỉnh khác.
Thông thường, ngày điều chỉnh giá xăng dầu thông thường vào ngày 1, 11, 21 hàng tháng. Nhưng, do kỳ điều chỉnh giá của Liên Bộ Công Thương - Tài chính rơi vào ngày nghỉ lễ 1/5, nên giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh khi kỳ nghỉ lễ kết thúc - tức ngày mai 4/5/2023.
Nếu giá xăng dầu trong nước giảm vào kỳ điều chỉnh ngày mai thì từ đầu năm tới nay, giá mặt hàng xăng dầu đã trải qua 11 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần điều chỉnh tăng, 4 lần điều chỉnh giảm và 1 lần giữ nguyên giá.
Hiện, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 21/4/2023 của Liên Bộ Công Thương - Tài chính. Theo đó, giá xăng RON95 có giá bán là 23.630 đồng/lít, giá xăng E5 có giá bán là 22.680 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành ngày 21/4/2023, giá các mặt hàng dầu có loại giảm, có loại tăng. Cụ thể, dầu diesel là 19.390 đồng một lít, giảm 750 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 19.480 đồng, giảm 250 đồng, dầu mazut tăng 650 đồng, có giá mới là 15.840 đồng/kg. Tại kỳ điều chỉnh lần này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định trích lập 300 đồng mỗi lít với xăng E5, RON 95, dầu DO và dầu hoả. Riêng dầu mazut không trích lập cũng không chi sử dụng.
Liên quan đến nguồn cung xăng dầu trong nước, mới đây tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, do Bộ Công Thương tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu khiến nguồn cung xăng dầu rơi vào tình trạng bị động.
Vì thế, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước năm 2023, Bộ trưởng Diên yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn cung xăng dầu tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng. Cụ thể, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống, chú ý theo dõi sát tình hình nguồn cung trong nước để chủ động nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cung cấp đủ cho thị trường trong nước thời gian tới.
Bộ trưởng Diên chỉ đạo tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh - từ doanh nghiệp đầu mối đến thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên.
Các doanh nghiệp đầu mối chú trọng chia sẻ nguồn cung xăng dầu, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để đảm bảo không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường. Và cần có cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu trong nước, trong đó cần cam kết rõ ràng, chặt chẽ các chế tài xử lý khi một trong các bên vi phạm, để bảo đảm các thương nhân sản xuất cũng như kinh doanh xăng dầu thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng nội dung, sản lượng đã ký, ông Diên nhấn mạnh.