"Giấc mơ Mỹ" của người lao động Trung Quốc tại Hoa Kỳ: Còn không?

Sau khi bị cho thôi việc vào tháng trước, Tang Chen đã không thể ngủ được. Tâm trí cô luôn đau đáu một câu hỏi: Liệu cô còn có thể ở lại Hoa Kỳ?
"Giấc mơ Mỹ" của người lao động Trung Quốc tại Hoa Kỳ: Còn không?

Tang Chen, 33 tuổi đến từ một thành phố phía đông tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), nhưng đã sinh sống và làm việc tại Mỹ được 6 năm. Visa lao động H1-B của cô sẽ hết hạn vào cuối năm nay, vì vậy công ty du lịch ở Pennsylvania - nơi Tang làm việc với vị trí nhân viên phát triển phần mềm - đã bắt đầu dự tính tới một kế hoạch xin thẻ xanh nhằm tạo điều kiện để Tang có thể định cư ở Mỹ lâu dài. 

Trước khi đại dịch xảy ra, Tang Chen đã rất tự tin về ước mơ xây dựng cho mình một cuộc sống ổn định ở Mỹ. Thậm chí, cô còn sẵn sàng đầu tư để mua một căn hộ riêng cho mình. Nhưng sau ngày 13/3 - khi bị công ty cho nghỉ việc thì cô không chỉ mất đi nguồn thu nhập chính mà còn mất đi cơ hội thị thực của mình. Khi công ty cũ quyết định không tiếp tục hỗ trợ đơn xin thẻ xanh cho Tang thì con đường để định cư ổn định tại Hoa Kỳ của cô cũng không còn. 

Khi một người thuộc diện visa H1-B như Tang bị mất việc, họ sẽ có 60 ngày để nộp đơn thay đổi tình trạng visa - chẳng hạn chuyển thành visa du lịch hoặc visa sinh viên - hoặc tìm một công ty mới sẵn sàng tài trợ cho visa làm việc mới. Nếu không thể tìm được một công việc mới, hay biện pháp giúp thay đổi tình trạng thị thực thì họ sẽ phải rời khỏi Hoa Kỳ. Trong trường hợp vượt quá hạn quy định hơn 180 ngày, họ có thể sẽ bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong tương lai. 

Để tìm một công việc mới trong thời điểm hiện tại vốn đã rất khó khăn, chứ đừng nói đến việc tìm được một nhà tuyển dụng sẵn sàng gánh vác thêm chi phí và giấy tờ bảo trợ visa cho nhân viên mới. Kể từ khi bị sa thải, Tang đã không nhận được nhiều cuộc gọi phỏng vấn và các công ty cũng không “mặn mà” tìm thêm nhân sự trong thời điểm đại dịch và suy thoái kinh tế như hiện tại.

Cực chẳng đã, Tang tính tới việc quay trở về quê nhà Trung Quốc nhưng lại phát hiện ra rằng… cô không thể. 

Không còn bất cứ tấm vé máy bay trực tiếp nào trong tháng 4 để mua và dù là có, Tang cảm thấy lo lắng về việc nhiều người trên cùng một máy bay sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19. “Ngay cả khi muốn quay trở về, tôi không thể mua được vé máy bay", Tang chia sẻ.

Biện pháp cuối cùng mà Tang quyết định là nộp đơn xin học vào các trường đại học để có thể nhận được visa du học - cho phép cô ở lại Mỹ một cách hợp pháp. 

Thật khó để trở về …

Đại dịch phần nào đã được kiểm soát trong nội bộ Trung Quốc đại lục. Các nhà chức trách đang dồn sự tập trung chú ý vào việc ngăn chặn làn sóng nhiễm bệnh từ nước ngoài nhập cảnh vào.

Kể từ cuối tháng 3, cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc đã cắt giảm số lượng các chuyến bay quốc tế trong nước xuống dưới 134 chuyến/tuần. Điều này đồng nghĩa với việc, giá vé máy bay đang ở mức giá “trên trời”. Số lượng người nhập cảnh vào Trung Quốc hàng ngày, bao gồm cả công dân nước này, đã bị giới hạn xuống mức 4.000 người. 

Không có số liệu thống kê chính thức về việc có bao nhiêu công dân Trung Quốc tại Hoa Kỳ bị mất việc do đại dịch Covid-19, nhưng CNN đã được thấy những tin nhắn từ 2 nhóm chat trên ứng dụng WeChat với hàng trăm người chia sẻ về tình hình mất việc và trao đổi thông tin liên quan.

“Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người có visa mà lại mất việc làm đến vậy. Mọi việc thậm chí còn tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính 2008 làm mất đi 2,6 triệu việc làm", Ying Cao - một luật sư nhập cư làm việc tại New York cho biết.

Chỉ trong tháng 3, bà Cao đã nhận được gấp đôi lượng câu hỏi so với thông thường. Bà khuyên hầu hết khách hàng của mình nộp đơn xin thay đổi tình trạng thị thực - có lẽ là sang visa du lịch hoặc sinh viên - để “mua” chút thời gian. 

Tsui Yee - một luật sư về cư trú khác cũng có trụ sở tại New York cho biết nhiều khách hàng của bà cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự. Bà cũng thường xuyên nghe các cuộc gọi “hoảng hốt” của khách hàng là người Trung Quốc vào những tuần gần đây. “Nhập cư vốn đã là một vấn đề khó khăn nhưng đại dịch Covid-19 đã đẩy nó đến một tình huống thậm chí còn tồi tệ hơn. Rất nhiều khách hàng của tôi thuộc diện visa lao động đang vô cùng lo lắng.”

Cho đến nay chính quyền Hoa Kỳ chưa có nhiều giải pháp giúp đỡ những người ở trong tình huống giống Tang Chen. Thị thực H1-B là một loại thị thực lao động phổ biến nhất ở Mỹ và có khoảng 900.000 visa được cấp trong vòng 5 năm qua.

Thị thực H1-B được có liên hệ với một nhà tuyển dụng cụ thể và có giá trị trong vòng 3 năm, sau đó có thể tuỳ chọn gia hạn thêm 3 năm tiếp theo. Năm 2019, công dân Trung Quốc chiếm khoảng 15% số visa H1-B được cấp, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Dịch vụ Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) chưa đưa ra bất kỳ sự hỗ trợ gia hạn thị thực nào cho người nước ngoài trong thời điểm đại dịch Covid-19.

Vào tháng trước, Hiệp hội Luật sư Di Hoa Kỳ (AILA) đã gửi thư kêu gọi USCIS tạm thời linh hoạt thời hạn nhập cư trong thời kỳ dịch bệnh. “USCIS phải tham gia cùng nhiều cơ quan liên bang khác trong việc gia hạn thời hạn nộp đơn để các công dân nước ngoài có mặt hợp pháp tại Hoa Kỳ có thể duy trì tình trạng thị thực trong cuộc khủng hoảng toàn cầu này. Nếu từ chối giúp đỡ, USCIS đang gây nguy hiểm đến cuộc sống của nhiều người một cách không đáng có", Chủ tịch AILA Marketa Lindt nói trong một tuyên bố.

Theo dữ liệu chính thức, hơn 10 triệu người lao động Hoa Kỳ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng 3 vừa qua. Nhưng theo luật sư Ying Cao và Tsui Yê, con số này có thể không bao gồm những người nhập cư có visa. Vì nhiều người đã đắn đo rằng, việc nộp đơn hỗ trợ thất nghiệp sẽ có thể dẫn đến việc họ bị từ chối visa trong tương lai.

Một vấn đề khác, luật sư Cao cho biết, mặc dù người có visa làm việc có đầy đủ điều kiện cho bảo hiểm thất nghiệp theo luật di trú liên bang nhưng lại khó để có thể đáp ứng một điều luật nhà nước cụ thể. Đơn cử như việc đòi hỏi người thụ hưởng phải sẵn sàng để làm việc.

Và trong khi những người nắm giữ H1-B thậm chí còn mong muốn bắt đầu làm việc ngay lập tức, nhưng họ sẽ cần phải chuyển thị thực sang 1 công ty khác và quá trình này có thể mất tới vài tháng. “Thật khó để có thể tưởng tượng bất kỳ nhà tuyển dụng nào có thể chờ đợi lâu như vậy.”

Không còn giấc mơ Mỹ? 

Đối với Walton Wang, người gần đây đã mất vị trí thực tập tại một công ty mỹ phẩm tại New York thì vẫn còn một vấn đề khó khăn nữa đối với anh. 

Wang đến Mỹ để học đại học vào năm 2015. Là một thành viên của cộng đồng LGBT, anh luôn hy vọng được ở lại đất nước này. Wang bị thu hút bởi một môi trường cởi mở hơn nhiều so với quê nhà Trung Quốc. Nhưng Wang đã thay đổi quyết định sau khi thấy cuộc khủng hoảng xảy ra dẫn đến sự gia tăng của nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực đối với người Châu Á ở Mỹ. “Tôi không biết liệu mình có phải là nạn nhân tiếp theo hay không", Wang chia sẻ.

Gần đây tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc danh tính nào quan trọng hơn đối với mình: là người đồng tính hay là người châu Á? Và tôi đã nghiêng về bản sắc quê hương vì ít ra tôi sẽ không bị đánh đập ở Trung Quốc vì là người đồng tính. Nhưng là một người châu Á ở Mỹ, tôi không thể nói trước được điều gì...”

Walton Wang

Tuy nhiên, giống như Tang Chen, quyết định quay về nhà không có nghĩa là Wang có thể ngay lập tức. Anh ở lại Mỹ trong thời gian ân hạn sau tốt nghiệp, cho phép sinh viên ở lại không cần visa lao động trong 1 năm để tìm việc. Nhưng theo các quy tắc, Wang không thể nghỉ việc quá 90 ngày - và nếu đại dịch vẫn kéo dài, Wang nghĩ rằng anh có thể sẽ dễ dàng thất nghiệp trong 3 tháng.

Wang bắt đầu cân nhắc các chuyến bay từ giữa tháng 3, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được tấm vé phù hợp do số lượng chuyến bay bị cắt giảm và giá cả tăng cao. “Tôi không có cách nào để trở về Trung Quốc và tôi cũng không thể ở lại đây lâu hơn được” Wang nói. “Tôi không còn nơi nào để đi.”

Theo CNN

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...