Giải bài toán chi phí cho phát triển kinh tế bền vững

Phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
tang-truong-xanh-1697733368.jpg
Phát triển kinh tế theo hướng xanh hoá đang là xu hướng

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững có quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau, vừa là quan điểm vừa là mục tiêu xuyên suốt trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới trong giai đoạn tới dự kiến sẽ có sự thay đổi nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp. Xu hướng khu vực hóa, phong trào dân tộc cực đoan, xung đột địa - chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tạo ra các thách thức to lớn đối tiến trình phát triển bền vững của toàn cầu.

Trong khi đó, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho dịch chuyển ngày càng tự do và trên quy mô lớn, các nguồn lực phát triển (vốn, công nghệ, nhân lực…). Quá trình đó tạo ra áp lực đòi hỏi các quốc gia phải liên tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển nhân lực chất lượng cao, đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, viễn thông cũng như hệ thống hạ tầng kết nối các vùng miền trong mỗi quốc gia, đảm bảo khai thác tốt hơn tiềm năng của các vùng lãnh thổ.

Còn tại Việt Nam, phải đối mặt với các thách thức như: năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu; phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế chưa tạo thành động lực tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sự gia tăng đầu tư, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ đều có xu hướng giảm.

Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên và đất đai. Thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh, khốc liệt và khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân.

Việc huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu trong những năm tới đây sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi sau dịch Covid-19. So với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19, nguồn thu ngân sách/GDP của cả nước có xu hướng giảm. Nguồn ODA giảm rõ rệt, đặc biệt là sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010. Nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước chưa thể hiện được vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước như kỳ vọng.

Ảnh màn hình 2023-11-20 lúc 23.44.48.png
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển, đặc biệt là cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển khoa học và công nghệ còn thấp…

Để có thể vượt bão, sớm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách thông qua cải cách hành chính công và tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng yếu thế trong quá trình ra quyết định.

Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

HƯỚNG ĐI TIẾT KIỆM CHI PHÍ

Cũng tại hội thảo, ông Wong Wai Foo WAI, Giám đốc, Bộ phận tái tạo đô thị bền vững, Tập đoàn Keppel tại Việt Nam chia sẻ, là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, Keppel cam kết góp phần giảm phát thải carbon trong môi trường xây dựng.

Tập đoàn mong muốn góp phần xây dựng một môi trường xanh hơn bằng cách đem lại các giải pháp liên quan đến phát triển bền vững để giúp khách hàng và cộng đồng giảm lượng khí thải carbon của họ.

ptbv W.jpg
Ông Wong Wai Foo WAI, Giám đốc, Bộ phận tái tạo đô thị bền vững, Tập đoàn Keppel tại Việt Nam

Hiện Keppel đang triển khai mô hình SUR (tái tạo đô thị bền vững) dựa trên việc cải tiến, trang bị thêm và kéo dài tuổi thọ của các tòa nhà thương mại hiện hữu, để đem đến một giải pháp thay thế xanh hơn, ít tốn kém hơn và nhanh chóng hơn khi chúng ta thực hiện xây dựng các công trình mới, đồng thời có thể góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Bằng cách kết hợp các tính năng thông minh và bền vững vào các tòa nhà được cải tiến, Keppel cũng có thể giúp chủ sở hữu tòa nhà nâng cao hiệu suất và giá trị tài sản của họ.

Chính phủ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyến khích áp dụng các giải pháp bền vững.Ví dụ, tại Singapore, Cục Quản lý Xây dựng Singapore cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính dành cho các chủ đầu tư đã đáp ứng các tiêu chí xanh nhất định.

Keppel đã khai thác điều này để thực hiện cải tiến cho các tài sản của doanh nghiệp như Keppel Bay Tower. Đây là tòa nhà thương mại đầu tiên ở Singapore đạt chứng nhận BCA Green Mark Platinum Zero Energy.

“Chúng ta có thể đạt được cùng mục tiêu ở Việt Nam đơn giản bằng cách cung cấp thêm diện tích sàn xây dựng được cấp phép (tức diện tích sử dụng đất - GFA). Từ đó giúp giảm chi phí – khoản phí này thường cao hơn khi chúng ta theo đuổi giải pháp bền vững”, ông Wai Foo nêu.

Việc đưa ra các chính sách khuyến khích, ví dụ như tặng một phần diện tích trong các khu đất cũ, có thể khuyến khích các chủ đầu tư cải tạo những tòa nhà cũ, hoặc cung cấp thêm diện tích sử dụng hoặc thời gian sở hữu dài hơn để khuyến khích các chủ đầu tư ứng dụng các giải pháp và công nghệ xanh, sạch để xây dựng các tòa nhà bền vững hơn.

Qua đó, tất cả những nỗ lực này có thể giúp Chính phủ tối ưu hóa việc sử dụng đất ở khu vực trung tâm, cung cấp đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu thị trường, duy trì các tiêu chuẩn và kiểm soát về đất đai, và đồng thời nâng cao chất lượng cảnh quan của thành phố.

Ngoài bất động sản, Keppel cũng nhận thấy những cơ hội hấp dẫn trong lĩnh vực năng lượng và trung tâm dữ liệu khi kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn ngày càng được quan tâm ở Việt Nam.

Tập đoàn này đang có những bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực này, ví dụ khai trương Trung tâm vận hành đầu não (ONC) để cung cấp các giải pháp “năng-lượng-là-một-dịch-vụ (EaaS)” dài hạn cho nhiều khách hàng trong nước, từ đó mang lại giá trị kinh tế vượt trội cho khách hàng, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng và sự phát triển bền vững của Việt Nam.

CÓ TÍN DỤNG PHỤC VỤ XANH HOÁ

Về vấn đề tín dụng để phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế bền vững, bà Lâm Thuý Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam cho biết, với cương vị là ngân hàng quốc tế hàng đầu tại Việt Nam, HSBC có tham vọng mạnh mẽ trong việc thu xếp vốn xanh, vốn bền vững để phục vụ các doanh nghiệp và nền kinh tế.

HSBC hiện tại cũng đang làm việc với Chính phủ, với các ngân hàng khác cũng như các đối tác để có thể thực hiện tham vọng này. HSBC cũng có những chuyển đổi đối với hoạt động của chính mình.

“Chúng tôi tham vọng giảm lượng phát thải xuống bằng 0 vào năm 2030, cũng như điều chỉnh lượng phát thải tương tự từ danh mục khách hàng của HSBC cho đến năm 2050”, bà Nga nhấn mạnh.

Sau khi Chính phủ Việt Nam cam kết tại COP26 về việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, HSBC Việt Nam cũng đưa ra tham vọng hỗ trợ thu xếp đến 12 tỷ USD cho thị trường Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030. Đến nay, ngân hàng này đã hỗ trợ thu xếp được 16%, tương đương gần 2 tỷ USD, trong tham vọng này. Nguồn vốn HSBC đã đi vào rất nhiều các dự án trong đa dạng lĩnh vực, ngành nghề.

Ảnh màn hình 2023-11-20 lúc 23.45.33.png
Bà Lâm Thuý Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng Doanh nghiệp lớn, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam

Nổi bật, năm 2020, HSBC tài trợ tín dụng xanh cho hoạt động sản xuất của nhà máy nhựa tái chế Duy Tân. Năm 2021, HSBC hỗ trợ Vingroup soạn thảo Khung Tài chính Bền vững, từ đó có thể giúp họ phát hành thành công 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu cho Vinpearl, và khoản vay hợp vốn xanh 500 triệu USD phục vụ cho hoạt động đầu tư của Vingroup và Vinfast.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và bất động sản, HSBC đã thu xếp thành công các khoản tín dụng xanh cho REE để đầu tư vào dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà và xây dựng E-Town 6.

Riêng về HSBC cũng đã có những tiêu chuẩn rất chặt chẽ trong việc phê duyệt tín dụng cho dự án xanh và dự án bền vững. Các tiêu chuẩn này phải phù hợp với quy định quốc tế của Hiệp hội thị trường cho vay và Hiệp hội thị trường cho vay Châu Á - Thái Bình Dương. Ngân hàng hiện cũng phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng trong nước để đưa ra các quy chuẩn đồng bộ, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Về phía Chính phủ, HSBC đang làm việc chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khác, đưa ra các kiến nghị cụ thể, những ví dụ thành công từ những quốc gia khác.
Cùng với đó, HSBC cũng mang những chuyên gia từ các thị trường phát triển và thành công để chia sẻ cùng Chính phủ trong việc xây dựng chính sách và lộ trình hợp lý, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng trên chặng đường Việt Nam tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Có thể bạn quan tâm