Kinh doanh bền vững: Chìa khoá tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp do nữ làm chủ

Mạng lưới Nữ lãnh đạo Tiên phong WELEAD (WeLead) phối hợp Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đồng tổ chức Diễn đàn Doanh nhân Nữ 2023 với chủ đề “Kinh doanh bền vững - Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp do nữ làm chủ”...

Kinh doanh bền vững: Chìa khoá tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp do nữ làm chủ

Sự kiện diễn ra thể hiện nỗ lực và quyết tâm của các bên nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025”.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Nhà sáng lập WeLead, Chủ tịch sáng lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) nhấn mạnh, kinh nghiệm thành công hay thất bại của các doanh nghiệp lớn trên thế giới đã cho thấy việc nắm bắt, hoặc theo kịp các xu hướng phát triển là vô cùng quan trọng.

Có những công ty hàng đầu trên thế giới đã phải rời danh sách Fortune 500 vì không theo kịp sự thay đổi như GE, Nokia... Điều này cho chúng ta thấy cách thích nghi, phát triển và làm mới lại chính mình sẽ giúp tăng khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trước những biến động bất thường của thị trường.

chị Minh.jpg
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Nhà sáng lập WeLead, Chủ tịch sáng lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN)

Bà Tuyết Minh cho biết thêm, các doanh nhân nữ với trái tim người mẹ hơn ai hết hiểu rằng phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai.

Đặc biệt, các xu hướng phát triển bền vững lớn là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và đào tạo thế hệ tương lai… là những chủ đề quan trọng nhất trong chiến lược về môi trường và phát triển bền vững của các chính phủ, các doanh nghiệp và toàn xã hội.

“Đại diện cho WeLead, tôi chắc chắn rằng trong thời gian tới, nếu các nữ doanh nhân biết tận dụng và phát huy hết tiềm năng để nâng cấp bản thân và doanh nghiệp của mình thì khi đó, họ không chỉ thành công về kinh tế mà còn có cuộc sống hạnh phúc, đóng góp cho một xã hội bình đẳng và phát triển bền vững hơn”, bà Tuyết Minh nói.

Đề cập đến nền kinh tế xanh, bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, kinh tế xanh được hiểu là nền kinh tế sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tính công bằng mặt xã hội, ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và suy thoái hệ sinh thái, vì môi trường sống bền vững cho các thế hệ mai sau.

“Tăng trưởng xanh trở thành xu thế tất yếu, là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia”, bà Lan khẳng định.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp phát triển theo hướng kinh tế xanh thì còn nhiều thách thức như bối cảnh kinh tế chung và thị trường thế giới còn nhiều khó khăn, chưa phục hồi sau covid; nhà nước đã có chủ trương song triển khai chậm, chưa tạo đủ áp lực, động lực, nguồn lực cho chuyển đổi xanh.

cô Chi Lan.jpg
Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

“Quan trọng hơn, doanh nghiệp hiện đang đứng trước rất nhiều khó khăn cũ và mới, thiếu nguồn lực cho sự tồn tại và cho chuyển đổi xanh, trong khi vẫn chịu áp lực gia tăng ở thị trường trong và ngoài nước”, bà Lan nói.

Tuy vậy, theo bà Lan, chuyển đổi xanh thực sự là cơ hội để doanh nghiệp xác định hướng đi và thực hiện chiến lược mới cho mình, tái định vị để tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới.

Để phát triển doanh nghiệp theo định hướng kinh tế xanh, bà Lan cho rằng, doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng xanh bằng việc thực hiện ESG (môi trường, xã hội, quản trị); Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực quản trị, kỹ năng của lao động về chuyển đổi xanh; Chuẩn hóa quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm theo các chuẩn, tiêu chí xanh; Liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế qua tham gia các chuỗi cung ứng xanh.

Giải pháp được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra đó là từng doanh nghiệp tự đổi mới tư duy, định vị-định hướng lại, xây dựng chiến lược, chương trình hành động và tổ chức thực hiện theo định hướng xanh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới sáng tạo và học hỏi kinh nghiệm, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước về các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Về phía Nhà nước, cần thực hiện các chính sách đồng bộ về kinh tế xanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và start-up, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, đồng thời buộc các lĩnh vực gây ô nhiễm nhất chuyển đổi theo lộ trình.

Nhân dịp này, WeLead cũng tổ chức kỷ niệm hành trình 1 năm đồng hành cùng doanh nhân nữ và tổ chức Lễ công bố Giải thưởng ASEAN 2023, cùng với đó trao tặng danh hiệu Nữ Doanh nhân ASEAN tiêu biểu năm 2023 của Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) dành cho 6 nữ doanh nhân Việt Nam.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm