'Giấy phép xuất khẩu gạo 20.000 USD' là không đúng?

Bộ Công Thương khẳng định thông tin xin giấy phép xuất khẩu gạo mất 20.000 USD là bịa đặt.
'Giấy phép xuất khẩu gạo 20.000 USD' là không đúng?

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, ngay sau khi có thông tin phản ánh về việc xin giấy phép xuất khẩu gạo phải tốn không dưới 20.000 USD, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan giải trình, đồng thời thành lập Đoàn xác minh do Thanh tra Bộ chủ trì.

Ngày 25/2/2017, tại trụ sở Công ty TNHH ADC, địa chỉ số 93 Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM, Đoàn xác minh của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Công ty ADC. Tham dự buổi làm việc có Chánh Thanh tra Bộ Công Thương cùng cán bộ có trách nhiệm.

Về phía Công ty ADC có ông Ngô Văn Nam – Tổng giám đốc, người có phát ngôn gây “bão” tại Tọa đàm về đề xuất sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo (tổ chức chiều 22/2/2017 tại TP. HCM): “Mỗi lần xin phép thì tốn mấy chục nghìn USD, không dưới 20.000 USD”.

Tại buổi làm việc, ông Ngô Văn Nam cho biết ông có phát biểu ý kiến tại buổi Tọa đàm chiều 22/2/2017 nhưng báo chí đã phản ánh không chính xác ý kiến phát biểu của ông. Ông khẳng định ông và Công ty ADC chưa bao giờ gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo tới Bộ Công Thương và cũng chưa khi nào liên hệ hoặc làm việc với bất kỳ đơn vị/cá nhân nào tại Bộ Công Thương.

"Ông Nam cũng tái khẳng định chưa bao giờ đưa tiền cho bất kỳ ai để xin cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo đồng thời  bày tỏ lấy làm tiếc vì phát ngôn đã gây ra sự hiểu lầm và làm ảnh hưởng đến Bộ Công Thương.

Ông Nam cho biết đã và đang trao đổi lại với một số cơ quan báo chí để đề nghị làm rõ lại các nội dung báo đăng. Và với tư cách cá nhân, ông sẽ có trách nhiệm giải thích với các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan báo chí về việc đăng tải thông tin không đúng thực tế.

Về phía Bộ Công Thương, qua rà soát nội bộ, không nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như bất kỳ yêu cầu nào về kinh doanh xuất khẩu gạo của Công ty TNHH ADC. Công ty này cũng chưa bao giờ tiếp xúc, liên hệ, trao đổi với các đơn vị chức năng liên quan của Bộ Công Thương về vấn đề xuất khẩu gạo. 

Liên quan tới thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ cho biết các điều kiện đã được quy định rất rõ tại Nghị định số 109 với các tiêu chí cụ thể, có thể định lượng được và đặc biệt, việc kiểm tra, xác nhận các điều kiện này đã được phân cấp rõ ràng.

Cụ thể, các cơ quan chức năng của địa phương mới là nơi thực hiện công tác kiểm tra, xác nhận điều kiện kho chứa, cơ sở xay xát của doanh nghiệp. Trong trường hợp địa phương đã xác nhận là đủ điều kiện thì Bộ Công Thương không có quyền từ chối cấp phép cho doanh nghiệp.

Vì vậy, Bộ Công Thương khẳng định việc ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC phát biểu tại Tọa đàm là phải mất hàng chục ngàn USD để được cấp phép xuất khẩu gạo là hoàn toàn không đúng sự thật. Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Bộ Công Thương nên Bộ đã yêu cầu ông Ngô Văn Nam giải thích lại với báo chí và ông Nam đã nhận lời.

Hiện chưa rõ với phát ngôn trên, ông Ngô Văn Nam sẽ bị xử lý như thế nào.

vietnamfinance.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...