Góc khuất cắt giảm điều kiện kinh doanh

Để chương trình cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) thành công cần gắn với trách nhiệm cá nhân. Bên cạnh đó, cần có đánh giá độc lập, giám sát việc thực hiện quá trình cắt giảm, tránh tình trạng chạy
Góc khuất cắt giảm điều kiện kinh doanh

Dự thảo NĐ về phát triển và quản lý ngành phân phối của Bộ Công Thương bị phản ứng rất lớn từ cộng đồng DN, buộc phải “rút” để nghiên cứu thêm. Ảnh: Bình Phương.

Câu chuyện từ một dự thảo nghị định

Cách đây vài tháng, Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo đề xuất chính sách một nghị định (NĐ) về phân phối (tên ban đầu là NĐ Phát triển và Quản lý ngành phân phối). NĐ này dự kiến điều chỉnh về chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… từ tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động đến các việc khuyến mãi, quảng bá sản phẩm.

Bộ Công Thương gửi lấy ý kiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngay giai đoạn đầu khi xây dựng chính sách. Tuy nhiên, sau khi tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp (DN), VCCI cho rằng, có nhiều điểm Bộ Công Thương cần nghiên cứu kỹ và điều chỉnh.

Theo đó, VCCI lo ngại những quy định trong dự thảo can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của DN, những điều kiện dễ biến thành các thủ tục xin- cho nặng nề và bất hợp lý; có quy định trùng lặp và chưa thống nhất với các quy định khác, nguy cơ làm cho chi phí thực thi của DN và người tiêu dùng tăng cao… Và, chỉ thời gian ngắn sau đó, Bộ trưởng Công Thương đã chỉ đạo “rút” dự thảo NĐ nói trên để tiếp tục nghiên cứu.

Đây là một trong hàng trăm ví dụ mà VCCI và cộng đồng DN tham gia góp tiếng nói vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật cũng như cải cách ĐKKD hiện nay. Dẫu vậy, không nên xem đây là một thất bại của Ban soạn thảo hay của Bộ Công Thương. Cộng đồng DN đánh giá cao tinh thần cầu thị và mong muốn lắng nghe từ Ban soạn thảo NĐ này.

Thực tế, để ra đời một chính sách, một văn bản pháp luật phải trải qua quá trình cọ xát, lắng nghe từ nhiều phía. Có mong muốn từ nhà quản lý, có mục tiêu dự kiến chính sách đặt ra, nhưng chắc chắn cũng phải cần tiếng nói từ thực tiễn kinh doanh để kiểm nghiệm, đánh giá, liệu dự kiến chính sách ấy có phù hợp hay tạo ra rủi ro gì.

Chẳng hạn, dự thảo NĐ nói trên quy định chợ phải dành một diện tích nhất định cho các nhà sản xuất, buôn bán nhỏ hay siêu thị, trung tâm thương mại phải bố trí ít nhất 30% gian hàng cho sản phẩm có nguồn gốc từ DN vừa và nhỏ… Ở đây, câu hỏi đặt ra là việc ấn định hành chính như vậy, liệu Ban soạn thảo đã nghiên cứu, điều tra, khảo sát kỹ chưa? Thực trạng thế nào? Tại sao hàng hoá Việt Nam chưa vào được các kênh phân phối này? Liệu họ bị rào cản, sự chèn ép hay do những vấn đề về chất lượng, mẫu mã như chúng ta vẫn nói?

Hay quy định khác trong dự thảo NĐ trên là “thời gian mở cửa: siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả các ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10:00 sáng đến 22:00 tối”. Đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không cần và không nên can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN như vậy.

Nếu muốn bảo vệ lợi ích công cộng, ở một góc độ nào đó quy định này có thể mang lại các hiệu ứng ngược. Ở một số nước phương Tây, với mục tiêu tạo không gian cho các cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống…(lợi ích công cộng trong quan niệm của các nước này), các siêu thị (có diện tích từ xyz m2 trở lên) còn bị hạn chế về thời gian mở cửa (chẳng hạn không được mở quá sớm, đóng quá muộn, trong tuần bắt buộc phải đóng cửa một ngày…). Tức là họ có kiểm soát, nhưng theo chiều ngược lại.

"Chỉ cần một quy định mơ hồ, chung chung sẽ tạo khó cho DN và người dân, bởi cách diễn giải, áp dụng của các công chức thi hành hiểu khác nhau. Ở đây, nếu họ không có tâm tốt, không quản lý, giám sát tốt sẽ tạo ra những rủi ro rất lớn cho DN và người kinh doanh".

TS Đậu Anh Tuấn

Có thể, ở Việt Nam cách kiểm soát nói trên chưa thích hợp hoặc chưa cần thiết, nhưng ít nhất thị trường Việt Nam cũng không khan hiếm hàng hóa tiêu dùng đến mức bắt buộc phải duy trì các siêu thị, trung tâm thương mại tất cả các ngày. Chửa kể, việc các siêu thị, trung tâm thương mại đóng cửa dịp lễ còn là cơ hội cho các hình thức bán lẻ truyền thống, nhỏ lẻ khác.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng, siêu thị, trung tâm thương mại không phải bán toàn sản phẩm thiết yếu (bởi nhiều siêu thị chuyên ngành điện máy...), không rõ căn cứ nào để bắt buộc các siêu thị này duy trì hoạt động tất cả các ngày trong năm?

Tiếp cận toàn diện, gắn trách nhiệm cá nhân

Câu chuyện về NĐ phân phối nói trên là một điển hình cho vấn đề rất lớn liên quan đến chất lượng các văn bản pháp luật kinh doanh hiện tại. Bên cạnh việc loại bỏ các ĐKKD, những quy định không phù hợp, tạo gánh nặng cho hoạt động kinh doanh cũng cần có một cơ chế “gác cổng”, từ đó ngăn chăn những quy định không phù hợp, có thể dễ dàng được ban hành trong thời gian tới.

Kinh nghiệm trong 17-18 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp cho thấy, việc cắt giảm ĐKKD thường rất khó, rất lâu, cần một quyết tâm chính trị rất cao. Trong khi việc “đẻ” ĐKKD thời gian qua có lúc quá dễ dàng. Vì thế, những thành quả của cải cách nhanh chóng bị xoá bỏ bởi một quy trình ban hành văn bản chưa phù hợp.

Ở đây, giống như bể bơi, anh dọn sạch rác, dọn sạch nước đảm bảo bể bơi sạch sẽ, nhưng nếu không lọc nguồn nước, không có một cơ chế nào để kiểm soát nguồn nước chảy vào bể trong thời gian tới, nguy cơ bể sẽ sớm bẩn trở lại.

Thực tiễn cho thấy, các bộ ngành không nên giao cho đơn vị có thẩm quyền cấp phép là nơi chủ trì soạn thảo về cải cách, bởi họ thường không muốn và trì hoãn việc cắt giảm hay thay đổi hình thức quản lý. Nhiệm vụ trên có thể giao cho một đơn vị độc lập như Vụ Pháp chế của các bộ. Họ có thể chưa am hiểu hết trong lĩnh vực rà soát, nhưng có thể tham vấn nhiều chuyên gia bên ngoài và đưa ra cách thức quản lý mới, không nhất thiết là cấp phép hay đặt ra ĐKKD như thường lệ.

Chưa kể, chất lượng văn bản pháp luật về ĐKKD cũng liên quan rất chặt chẽ tới tính thực thi (như cấp phép, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra…) sau này.

Chương trình cắt giảm ĐKKD đang được Chính phủ đẩy mạnh và đạt được những kết quả tích cực, nhưng để bền vững và thực chất cần phải liên tục. Như Tổng thống Mỹ yêu cầu, khi đưa ra 1 văn bản pháp luật mới, bắt buộc phải trình kèm theo việc cắt giảm 2-3 văn bản quy định hiện có. Đây cũng là một áp lực cho các đơn vị thay đổi, bởi việc rà soát và cắt giảm ĐKKD là 1 yêu cầu thường xuyên.

Tuy nhiên, vấn đề cắt giảm ĐKKD thành công, cần gắn với trách nhiệm cá nhân. Rõ ràng, bộ ngành nào có người đứng đầu thực hiện quyết liệt, tích cực, việc cắt giảm diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cần có đánh giá độc lập, giám sát việc thực hiện quá trình cắt giảm, tránh tình trạng chạy theo con số, thành tích mà người dân, DN không được hưởng lợi.

TS. Đậu Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế VCCI

>> Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Mới đạt 30% yêu cầu

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...