Gói 100 ngàn tỷ đồng cho nông nghiệp CNC bắt đầu kích hoạt

Các dự án nông nghiệp công nghệ cao sẽ được hưởng lợi kép từ nguồn ngân sách hỗ trợ và nguồn ưu đãi lãi suất cho vay từ các NHTM.
Gói 100 ngàn tỷ đồng cho nông nghiệp CNC bắt đầu kích hoạt

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định 210/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Với việc sửa đổi hàng loạt những chính sách hỗ trợ đối với các DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), văn bản pháp lý này đang được kỳ vọng tạo ra cú hích lớn, khơi dòng cho nguồn tín dụng đổ mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp.

TP.HCM kết nối trực tiếp với NNCNC

Ngày 18/4, NHNN chi nhánh TP.HCM đã tổ chức cho các TCTD trên địa bàn ký kết hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các DN, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân… Theo đó, tổng nguồn vốn hỗ trợ của cuộc ký kết mới nhất này đạt 396,52 tỷ đồng, dành cho vay 35 khách hàng. Trong đó cho vay ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là 50,62 tỷ đồng tín chấp đạt 25 tỷ đồng.
Trước đó, thống kê của NHNN Việt Nam đến cuối quý I/2017, dư nợ cho vay đối với các dự án NNCNC trên cả nước đạt khoảng 3.700 tỷ đồng. Các NHTM đã cho vay đối với 25/25 DN được Bộ NN&PTNT chứng nhận là DN có dự án NNCNC. Theo quan sát, hiện nay NHNN định hướng các NHTM đối với việc cho vay gói tín dụng 100.000 tỷ đồng. Trên thực tế hàng loạt các NHTM đã chủ động triển khai các chương trình tín dụng của mình đối với lĩnh vực này.

Theo đó, tính đến tháng 3/2017, sau khi Agribank Chi nhánh Trà Vinh đầu tư 50 tỷ đồng vào dự án nuôi và sản xuất tôm giống của Công ty Thủy sản Thông Thuận, số vốn Agribank cho vay vào lĩnh vực NNCNC đã đạt khoảng trên 400 tỷ đồng với 14 doanh nghiệp NNCNC đã tiếp cận được hợp đồng vay với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường từ 0,5- 1,5%/năm từ NH này. Trong khi đó, Vietcombank cũng đã bắt đầu giải ngân hợp đồng đầu tiên đối với dự án sản xuất trứng gà công nghệ cao tại tỉnh Phú Thọ với mức vốn 600 tỷ đồng.

Đầu tháng 4 này, tại Thái Bình, 6 NHTM (bao gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, SHB và BacABank) cũng đã ký cam kết tài trợ hơn 3.000 tỷ đồng đầu tư vào 6 dự án NNCNC. Trung bình mỗi dự án được các NH đầu tư từ 250 – 500 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại mặc dù chưa có thống kê chính xác nhưng nếu tính trên các hợp đồng vay vốn đã được các NH ký kết thì số vốn chắc chắn sẽ được giải ngân cho lĩnh vực NNCNC đã đạt khoảng hơn 7.000 tỷ đồng và đang có chiều hướng tăng thêm.

Trong khi đó nếu xét ở khía cạnh nguồn vốn, đến giữa tháng 4/2017 có thể nhận thấy các NHTM đã cam kết khoảng 150 ngàn tỷ đồng cho vay vào lĩnh vực NNCNC, vượt qua con số 100 ngàn tỷ mà Chính phủ và NHNN chỉ đạo thực hiện. Cụ thể, hiện nay ngoài gói 50.000 tỷ đồng đã được Agribank công bố triển khai vào đầu tháng 1/2017, BacABank cũng đã cam kết dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực này. Các NHTM khác như LienVietPostBank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, Kienlongbank, VietABank… mỗi đơn vị cam kết cung ứng khoảng 10.000 tỷ đồng.

Lợi kép khi ngân sách đi trước

Cần phải nói ngay rằng, “gói tín dụng” 100.000 tỷ đồng cho vay NNCNC không phải là một gói tín dụng được Nhà nước dùng ngân sách để cấp bù lãi suất cho các NHTM như đã thực hiện với gói 30.000 tỷ với thị trường bất động sản các năm trước. Chính vì vậy, hoạt động cho vay đối với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng thực tế chỉ là cho vay thương mại thông thường. Các NHTM sẽ cố gắng tính toán tiết giảm các chi phí để đưa ra mức lãi suất hợp lý đảm bảo thấp hơn từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thị trường.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các NHTM khi cho vay vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và NNCNC nói riêng là tình trạng quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; quy hoạch vùng nông nghiệp tập trung ở nhiều địa phương không rõ ràng; giá trị đất đai, tài sản đảm bảo cho dự án NNCNC ở nhiều DN không đáp ứng đủ điều kiện để thế chấp vay vốn.

Để tháo gỡ những nút thắt trên bắt buộc chính sách liên quan đến mở rộng hạn điền, ưu đãi xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp phải đi trước một bước, tạo điều kiện cho các NHTM rộng đường đưa vốn vào các dự án NNCNC. Có lẽ chính vì ý thức được điều này mà mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 210/2013 những quy định rất mới. Theo đó, mức hỗ trợ thuê đất mở rộng quy mô sản xuất cho các DN được nâng lên mức 40% thay vì 20% như trước đó.

Đặc biệt, dự thảo Nghị định dành riêng một phần quan trọng để quy định về hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng đối với các dự án NNCNC. Cụ thể, DN được ngân sách hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng/dự án để phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng (bao gồm: giao thông, điện, nước, xử lý môi trường trong hàng rào dự án). Các dự án sản xuất rau, hoa, quả an toàn được hỗ trợ 100 ngàn đồng/m2 để mua sắm vật tư, thiết bị. Thậm chí những dự án nào nằm trong khu vực chưa có đường giao thông, chưa có hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước thì được phép lập thêm một dự án phụ để tạo dựng hạ tầng. Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 70% chi phí cho dự án phụ này với mức hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/dự án.

Những dẫn giải ở trên cho thấy, mặc dù gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng mà Chính phủ chỉ đạo ngành Ngân hàng cho vay đối với lĩnh vực NNCNC đang không được ngân sách cấp bù trực tiếp cho các NHTM nhưng lại đang được kích hoạt từ chính sách ưu đãi tài chính khác là chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn.

Có thể nhìn nhận, nếu dự thảo nghị định thay thế Nghị định 210/2013 được hoàn thiện theo hướng giữ nguyên các ưu đãi về tài chính cho các dự án NNCNC như ở trên rất có thể sẽ là bước đệm quan trọng để các NHTM mạnh dạn rót vốn vào các DN trong thời gian tới. Khi đó, phía DN rõ ràng sẽ được hưởng lợi kép vì một mặt sẽ được ngân sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mặt khác lại được các NHTM giảm lãi suất hàng tỷ đồng khi đầu tư vào NNCNC.

Theo Thạch Bình/thoibaonganhang.vn

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…