GPBank thoái vốn tại Khách sạn Kim Liên: Hét giá cao vì đất vàng

Ngân hàng GPBank đang chào bán 1,8 triệu cổ phần Khách sạn Kim Liên, tương đương 26,89% vốn điều lệ, với giá bán gấp khoảng 30 lần mệnh giá. Điều này đặt ra dấu hỏi về khả năng thành công của đợt thoá
GPBank thoái vốn tại Khách sạn Kim Liên: Hét giá cao vì đất vàng

Cơ sở nào để “hét” giá cao?

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), phiên đấu giá toàn bộ 1.870.970 cổ phần CTCP Du lịch Kim Liên (Khách sạn Kim Liên) do Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) nắm giữ, dự kiến được tổ chức vào ngày 27/4.

Tâm điểm thu hút giới đầu tư của phiên đấu giá này xoay quanh mức giá khởi điểm 305.053 đồng/cổ phần, tức là gấp hơn 30 lần mệnh giá, dự kiến mang về cho GPBank tối thiểu 570,7 tỷ đồng.


Trong Bản công bố thông tin về đợt thoái vốn này, CTCP Chứng khoán MB - đơn vị tư vấn đợt đấu giá cho biết, mức giá trên căn cứ vào hợp đồng thẩm định giá giữa GPBank và Công ty TNHH Kiểm toán Vaco. Mức giá mà hai bên xác định là 283.958 đồng/cổ phần.

Bên cạnh đó, đợt thoái vốn này còn được quan tâm bởi những từ khóa “hot” như “bầu Thụy”, “đất vàng”, do giới đầu tư hẳn chưa quên phiên đấu giá trọn lô 52,43% vốn điều lệ của Khách sạn Kim Liên hồi cuối năm 2015. Tại phiên đấu giá này, Thaigroup của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) đã thắng cuộc với mức giá hơn 1.000 tỷ đồng, tương đương 274.200 đồng/cổ phần - gấp 9 lần mức giá chào bán mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đưa ra. Chắc hẳn, đây cũng là căn cứ để GPBank đưa ra mức giá khởi điểm cho phiên đấu giá ngày 27/4.

Những mức giá rất cao kia được giới đầu tư nhận định chỉ bởi một nguyên nhân, đó là “đất vàng”.

Báo cáo tài chính của Khách sạn Kim Liên trong những năm qua cho thấy, sau khi về tay bầu Thụy, tình hình kinh doanh của Khách sạn Kim Liên có khởi sắc. Từ mức lỗ 33,79 tỷ đồng trước thuế năm 2015, sang năm 2016, Công ty đã báo lãi 7,5 tỷ đồng và tiếp tục báo lãi 8,9 tỷ đồng trong năm 2017. Tổng tài sản của Công ty cũng ở mức khiêm tốn, đạt 78,69 tỷ đồng thời điểm 31/12/2017, trong đó có khoản lỗ lũy kế là 17,3 tỷ đồng. Năm 2018, Khách sạn Kim Liên đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 16,68 tỷ đồng, chưa đủ để xóa lỗ lũy kế.

Trong khi đó, ngay từ phiên đấu giá cuối năm 2015, tiềm năng “đất vàng” của Khách sạn Kim Liên đã được đem ra mổ xẻ. Khách sạn Kim Liên đang khai thác lô đất rộng 3,5 ha nằm ngay mặt phố Đào Duy Anh - cửa ngõ phía Nam của Hà Nội. Mặc dù không sở hữu quyền sử dụng lô đất, nhưng Công ty đang được UBND TP. Hà Nội cho thuê dài hạn 50 năm kể từ năm 1993, tức thời gian thuê đất còn 25 năm nữa.

Động lực cho Thaigroup

Với mức giá khởi điểm cực cao, GPBank cũng rất cẩn thận khi đưa ra các phương án dự phòng cho trường hợp đấu giá không thành công, đó là thực hiện chào bán cạnh tranh thông qua đấu giá theo lô, hoặc bán thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký hoặc Thủ tướng đồng ý bằng văn bản.

Tuy nhiên, mọi ánh mắt của giới đầu tư đổ dồn vào Thaigroup trong đợt thoái vốn này, bởi trong cơ cấu cổ đông hiện nay, Thaigroup hiện là cổ đông lớn nhất của Khách sạn Kim Liên. Với tỷ lệ sở hữu 52,43%, Thaigroup đã nắm giữ quyền lực đủ lớn theo Luật Doanh nghiệp 2014, nhưng nếu thâu tóm thêm toàn bộ hoặc một phần trong số cổ phần mà GPBank chào bán, Thaigroup sẽ củng cố và đảm bảo quyền quyết định tuyệt đối tại Khách sạn Kim Liên, nhất là với dự án khu phức hợp trên đất vàng mà Thaigroup đang ấp ủ.

Theo Tờ trình số 0509/TTr/2016 của CTCP Du lịch Kim Liên, ông Nguyễn Đức Thụy, với tư cách là Chủ tịch HĐQT cho biết, khu đất hiện nay của Công ty là đất công cộng đô thị và có tuyến đường đi qua. Hiện nay, UBND TP. Hà Nội cũng đang chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hoàn thiện Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-3 (trong đó có khu đất của Khách sạn Kim Liên).

“Vì vậy, Công ty cần phải có những tác động, tham gia ý kiến đối với UBND Thành phố trong việc định hướng chức năng khu đất để chuyển đổi từ đất công cộng thành đất hỗn hợp (dịch vụ, thương mại, văn phòng, ở) cho phù hợp với định hướng phát triển của Công ty và quy hoạch của Thành phố. Vì vậy, việc triển khai các thủ tục có liên quan là hết sức cấp bách. Trên cơ sở đó, việc đầu tư, xây dựng mới đối với khu đất của Khách sạn cho phù hợp với quy hoạch chung của Thành phố và Công ty là cấp thiết”, ông Thụy nêu rõ.

Trước những phân tích này, Đại hội đồng cổ đông CTCP Du lịch Kim Liên năm 2016 cũng đã thống nhất cao, giao và ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT được tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai Dự án sớm nhất; giao, ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT được chủ động trong việc tìm kiểm, huy động các nguồn vốn khác nhau, tìm kiếm các đối tác để cùng hợp tác đầu tư với Công ty và triển khi thực hiện Dự án...

Bỏ ra số tiền lớn và dành nhiều công sức cho kế hoạch khai thác mảnh đất vàng, do đó, việc nâng tỷ lệ sở hữu để tăng quyền quyết định cũng như lợi ích tại Khách sạn Kim Liên thông qua đợt thoái vốn của GPBank chắc hẳn sẽ càng có ý nghĩa hơn với Thaigroup.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...