Thành phố Hà Nội đề xuất kết hợp mô hình đầu tư PPP với một phần vốn ngân sách, không vay vốn ODA để xây dựng các tuyến ĐSĐT
Liên quan đến các tuyến đường sắt đô thị, tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội mới được tổ chức, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đề xuất kết hợp mô hình đầu tư PPP với một phần vốn ngân sách. Chủ tịch TP Hà Nội nhấn mạnh, không vay vốn ODA tránh tăng nợ công của Chính phủ và phụ thuộc nhiều yếu tố bên ngoài. TP cũng đề xuất phương án vốn từ 5 nguồn của TP như tiết kiệm chi thường xuyên; trích từ vượt thu ngân sách; tiền cổ phần hóa các DN trên địa bàn TP; TP xin một số cơ chế đấu giá quỹ đất đặc thù của TP; phát hành trái phiếu của TP...
Cùng với đó, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các Chủ đầu tư, Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông); đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục để có thể khởi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) vào cuối năm 2018.
Đối với các tuyến đường sắt đô thị do TP Hà Nội đầu tư, Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội thống nhất, đồng thuận với TP về các cơ chế, giải pháp thực hiện các dự án liên quan đến hạ tầng đường sắt đô thị đã được UBND TP đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ; Hai bên cũng thống nhất đối với các nội dung đề nghị Chủ tịch nước và Chính Phủ cho phép điều chỉnh Hiệp định vay và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; Thống nhất với TP trình Thủ tướng Chính Phủ để thực hiện các thủ tục đưa ra Quốc hội xem xét chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Đồng thời thống nhất trình Thủ tướng Chính Phủ để thực hiện các thủ tục đưa ra Quốc hội xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội: tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình); tuyến số đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc); tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai) và việc áp dụng cơ chế đặc thù để tạo nguồn vốn thực hiện dự án.
Đường sắt Đô thị Hà Nội là hệ thống đường sắt công cộng tồn tại ở các khu vực nội ngoại thành Hà Nội. Mạng lưới này gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km. Theo dự án này, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị và 1 tuyến nhánh. Dự án sẽ bắt đầu được đưa vào hoạt động từ 2018 với tuyến đầu tiên là tuyến 2A - Cát Linh - Hà Đông, theo sau là các tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; tuyến số 1, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên và tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo - Thượng Đình.