Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố, dự kiến phê duyệt trong năm 2017.
Trong dự thảo lần này, Hà Nội đưa ra quy định màu sơn xe taxi do thành phố quy định, đến năm 2018 thống nhất một màu sơn chung. Từ năm 2019 đến năm 2024, toàn bộ xe taxi thay mới sẽ áp dụng màu sơn chung. Và từ 2025, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố.
Lo sơn chung màu làm "loãng" thương hiệu
Ý tưởng mặc “đồng phục” cho các hãng taxi của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Trong đó, nhiều hãng taxi bày tỏ quan điểm phản đối việc sơn chung một màu.
Trao đổi với VnEconomy, ông Vũ Quốc Huy - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ba Sao - hãng taxi Ba Sao, cho hay, việc sơn màu chung nhận diện được taxi Thủ đô và các taxi ngoại tỉnh để tiện về quản lý. Ví dụ, ở các nước phát triển, để tránh tình trạng kẹt xe nội đô thì họ hạn chế phương tiện ngoại tỉnh vào trung tâm thành phố bằng cách phân biệt màu xe. Ở các nước này, thông thường có rất ít các hãng taxi, uy tín, chất lượng dịch vụ và chất lượng xe đều tốt.
Tuy nhiên, ở Hà Nội, việc sơn chung màu xe sẽ cào bằng thương hiệu nhiều đơn vị trong đó có những doanh nghiệp xây dựng thương hiệu tốt, uy tín, có doanh nghiệp không tốt.
“Khi sơn xe chung một màu thì doanh nghiệp uy tín và không uy tín như nhau hết, khiến khách hàng khó nhận diện. Ví dụ, đi đường vẫy taxi thường xuyên đi thì lại vẫy phải xe kém chất lượng, trong khi Hà Nội có khoảng 77 hãng taxi lớn nhỏ khác nhau, điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Huy quan ngại.
Vì thế, theo ông Vũ Quốc Huy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần phải nghiên cứu lại việc sơn chung màu xe liệu đã phải là phương án quản lý nhà nước hiệu quả nhất hay chưa, sau đó mới đưa ra quyết định.
Tương tự, đại diện của một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, việc nhận diện màu sơn kết hợp nhận diện logo thương hiệu của một hãng taxi đã trở thành thói quen, ăn sâu vào tiềm thức của khách hàng. Ví dụ nhắc tới Taxi Mai Linh, khách hàng sẽ nghĩ đến xe taxi màu xanh lá; Taxi Group có màu trắng viền đỏ, Taxi ABC với màu sắc đặc trưng trắng và ghi viền hồng…
Tại Hà Nội hiện có gần 100 hãng taxi lớn nhỏ hoạt động trên 20 năm qua. Khi màu sơn được đồng nhất thì khách hàng sẽ rất khó nhận diện được logo thương hiệu, đèn mào, số điện thoại riêng của hãng taxi. Chưa kể, khi thanh lý xe doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí sơn.
“Điều này không những ảnh hưởng tới các doanh nghiệp dày công gây dựng thương hiệu mà các doanh nghiệp làm ăn chụp giật mặc sức tung hoành. Vì lẽ đó, chúng tôi kiến nghị nên trang trí logo, màu sắc riêng cho Hà Nội nhưng vẫn bảo đảm việc mầu sắc riêng đặc trưng cho mỗi doanh nghiệp”, các doanh nghiệp này kiến nghị.
Ngoài ra, cũng theo các doanh nghiệp thuộc hiệp hội, Hà Nội có thể thống nhất các xe taxi được sơn một màu chung dưới 4 cánh cửa (sơn 1/2 cánh cửa hai bên xe cao khoảng 30-40 cm dài dọc theo phía dưới nẹp 4 cánh cửa xe). Việc làm này giúp cho khách hàng trong nước và quốc tế dễ dàng nhận diện thương hiệu Taxi Hà Nội.
Một ý tưởng khác được đề xuất là các doanh nghiệp taxi được dán chung một logo biểu trưng cho Thủ đô Hà Nội như: “Khuê Văn Các” và được chọn một trong ba màu sơn: trắng, ghi, xanh rồi dán đề can (có thể trên nắp cabo).
Việc chấp thuận dán logo biểu trưng 3 màu sơn đặc trưng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn một màu sơn phù hợp nhất để phối cùng màu logo thương hiệu của doanh nghiệp đã đăng ký đảm bảo thẩm mỹ cũng như đem lại sự tiện lợi cho khách hàng.
Kiến nghị kéo dài thời gian áp dụng thêm một năm
Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có doanh nghiệp đồng tình với việc quy hoạch màu sơn xe chung cho tất cả các hãng taxi ở Hà Nội.
Giám đốc Công ty Cổ phần Hương Lúa - hãng Taxi Hương Lúa, ông Đinh Văn Sáu cho rằng, chủ trương của lãnh đạo Hà Nội nhằm đảm bảo đô thị văn minh, tạo nên một bức tranh giao thông vận tải đẹp. Do đó, quan điểm của ông là ủng hộ chủ trương quản lý của nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Sáu, để tiết kiệm chi phí sơn màu, Hà Nội nên thống nhất chọn màu trắng vì hiện tại, đa số các hãng taxi đang có màu trắng. Nếu chuyển sang sơn màu vàng sẽ thay đổi cả đăng ký, thêm chi phí, tiền sơn mỗi chiếc tốn khoảng 10 triệu đồng thì sẽ rất tốn kém.
“Đèn mào taxi có thể để màu sắc riêng, còn sơn màu xe thân thì phải tìm hiểu thêm. Dưới góc độ doanh nghiệp thì tôi tin tưởng vào chủ trương của Hà Nội là đúng đắn”, ông Sáu nói.
Trong khi đó, một doanh nghiệp khác trong ngành cho rằng, nếu bắt buộc phải áp dụng màu sơn chung cho toàn bộ xe taxi trên địa bàn thành phố thì nên áp dụng từ tháng 12/2024.
Điều này giúp doanh nghiệp có kế hoạch đặt xe và thay thế “cuốn chiếu” ngay khi thành phố có thông báo phù hợp với niên hạn kinh doanh taxi được Chính phủ quy định 8 năm tính từ năm sản xuất. Bởi tính đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đã mua xe ôtô sản xuất năm 2016 để kinh doanh taxi.
Việc các phương tiện đang còn niên hạn kinh doanh phải sơn lại hoặc phải thanh lý do không đúng màu sơn khiến doanh nghiệp tăng rất nhiều chi phí và gây khó khăn trong công tác quản lý điều hành.
>> Từ năm 2025, taxi tại Hà Nội phải dùng chung một màu sơn