Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn-ga Hà Nội); phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn 2021-2025 bao gồm: Tuyến số 5 đoạn Văn Cao-Hòa Lạc và tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai (do thành phố đầu tư); tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi (Bộ Giao thông Vận tải đầu tư).
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại làm cơ sở khởi công trong giai đoạn 2025-2030.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh: Sóc Sơn; Sơn Tây; Hòa Lạc; Xuân Mai; Phú Xuyên; Đồng thời kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành thuộc vùng thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm: Quốc lộ 1A (QL), QL3, QL6, QL21; QL21B...
Hà Nội sẽ đầu tư các trục Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam; các đường vành đai gồm: Vành đai 3.5, vành đai 4 và vành đai 5; hệ thống cầu vượt sông gồm: Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4); cầu Đuống 2 (trên QL1A cũ)…
"Tuyến vành đai 4 được hình thành sẽ có ý nghĩa rất quan trọng góp phần cải thiện giao thông quá cảnh trong giai đoạn trước mắt để thay thế cho Vành đai 3 và cầu Thanh trì đang quá tải", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhận định.
Trong năm 2021, Hà Nội hoàn thành nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung của thành phố, nổi bật như nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; đang thi công xây dựng các công trình cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3, tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn-ga Hà Nội, tuyến đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Vọng-Ngã Tư Sở, cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch-Chùa Bộc...