Hà Nội muốn tự chi hơn 65.000 tỷ đồng xây tuyến metro số 5 Văn Cao – Hoà Lạc

Hà Nội muốn được đầu tư dự án bằng nguồn vốn ngân sách thành phố và áp dụng thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP.
Hà Nội muốn tự chi hơn 65.000 tỷ đồng xây tuyến metro số 5 Văn Cao – Hoà Lạc

UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình gửi Thủ tướng thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5 tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án vào kỳ họp cuối năm 2020.

Theo đó, TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng thống nhất phương án trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến trong 1 giai đoạn và điều chỉnh số lượng ga trên tuyến từ 17 lên 21 ga.

Hà Nội mong muốn được đầu tư tuyến đường sắt này bằng nguồn vốn ngân sách thành phố và áp dụng thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP.

Theo tờ trình, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 65.400 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.800 tỷ đồng, chi phí thiết bị khoảng 16.600 tỷ đồng. Dự án sẽ sử dụng: Ngân sách thành phố, dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng; nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (18.000-20.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu, vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Hà Nội cũng mong muốn Thủ tướng cho phép đầu tư công trình bằng nguồn vốn ngân sách thành phố và áp dụng thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP (học tập theo mô hình của Malaysia).

Tuyến metro số 5 đi qua 7 quận huyện (Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất) là tuyến đường sắt đô thị theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và 29,93 km đi trên mặt đất.

Dự án bắt đầu tại khu vực Văn Cao giao với đường Hoàng Hoa Thám.Tuyến đi ngầm 2 ống đơn dưới đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng.

Sau khi đi ngầm qua ga vành đai 3, tuyến chuyển đi nổi từ giữa giải phân cách Đại lộ Thăng Long. Tại các vị trí giao với đường Lê Quang Đạo, đường sắt quốc gia vành đai phía tây, nút giao Hòa Lạc tuyến được bố trí đi trên cao cục bộ để vượt qua các nút giao này.

Từ nút giao Hòa Lạc đến cuối tuyến (thôn Thạch Bình, xã Yên Bình) tuyến đi trên mặt đất vào giải phân cách giữa của tuyến đường bộ cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình.

Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng cho phép lập Dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và chế tạo toa xe và chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp và chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, khoa học công nghệ, nhân lực. Theo lý giải của thành phố, việc này nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp đường sắt đô thị trong nước, giảm dần sự phụ thuộc nước ngoài.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, mạng lưới đường sắt đô thị gồm 8 Tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km, cụ thể:

Tuyến số 1: Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh, chiều dài khoảng 38,7 Km;

Tuyến số 2: Nội Bài – Trung tâm thành phố – Thượng Đình, chiều dài khoảng 35,2 Km, là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai, kết nối với tuyến số 2A;

Tuyến số 3: Nhổn – Ga Hà Nội – Hoàng Mai chiều dài khoảng 21 Km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 tới Sơn Tây, tổng chiều dài dự kiến là 48 km;

Tuyến số 4: Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – Thanh Xuân – Từ Liêm – Thượng Cát – Mê Linh. Tuyến có chiều dài khoảng 53,1 km, có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, số 2, số 3 và số 5.

Tuyến số 5: Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc. Chiều dài khoảng 34,5 Km.

Tuyến số 6: Nội Bài – Khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối với Tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và Tuyến số 7 tại Dương Nội. Chiều dài khoảng 43 Km.

Tuyến số 7: Mê Linh – Đô thị mới phía Tây Nhổn – Vân Canh – Dương Nội, kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội. Chiều dài khoảng 35 Km.

Tuyến số 8: Cổ Nhuế – Vành Đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá. Chiều dài khoảng 28 Km.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm