Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết hiện nay Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ngay sau khi có thông tin hãng tàu Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) phá sản.
Thưa ông, hãng tàu Hanjin đã chính thức đệ đơn phá sản và thông báo từ ngày 31/8 sẽ dừng booking hàng hóa mới. Bộ Công Thương đánh giá thế nào về tác động của vụ việc này đến hoạt động logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu?Sự việc này vừa mới diễn ra trong vài ngày gần đây, chúng tôi nhận định là có tác động tới hầu hết các ngành xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là những DN đang thuê hãng tàu Hanjin vận chuyển.Hanjin là hãng tàu lớn nhất của Hàn Quốc, hiện ở thị trường Việt Nam hãng này chiếm 5% thị phần vận chuyển hàng hóa. Do đó, các ngành hàng có khối lượng xuất nhập khẩu nhiều như dệt may, da giày, đồ gỗ hay hàng thủy sản đều bị ảnh hưởng.Những ngành hàng, DN đến khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường mà Hanjin có tàu đi như Hoa Kỳ thì đều bị tác động.Trước mắt mức cước phí của những tuyến này sẽ tăng lên do việc thiếu tàu và với những đơn hàng đã lỡ đặt với Hanjin, bây giờ phải chuyển đổi sang hãng khác trong thời gian gấp rút, thì có thể phải trả giá cao hơn bình thường.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã làm gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng?Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Công Thương đã có phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Cảng biển và một số Hiệp hội ngành hàng liên quan để nắm thông tin ở các DN.Bước đầu chúng tôi nhận được phản hồi từ các DN: hiện đã có một số đơn vị phản ánh là gặp khó khăn, đặc biệt là lô hàng đang ở trên tàu chưa cập cảng. Còn hàng xuất đi, các DN đưa vào container rồi thì có thể rút ra, đổi hãng tàu khác, đặt booking khác tuy có chậm và phát sinh thêm chi phí song DN xuất khẩu vẫn xử lý được.Bộ Công Thương đã đưa thông tin cảnh báo về vấn đề này trên website của Bộ. Với vấn đề chuyển đổi container hàng, chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Giao thông, cùng với các cảng vụ, ở khâu vận tải tạo điều kiện cho các DN xử lý lô hàng bị ảnh hưởng bởi vụ việc Hanjin, như rút hàng ra, chuyển đổi container hay tiếp nhận hàng về bị chậm trễ, đề nghị cảng vụ có ưu tiên sắp xếp xử lý để tránh ùn tắc.
Vậy ông có khuyến cáo gì cho các DN?Vụ việc này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của logistics đối với hoạt động sản xuất kinh doanh chung của DN, trong đó có khâu vận chuyển. Các DN cần phải bám sát và nắm bắt tình hình vận chuyển trên thế giới, bởi hiện nay bối cảnh chung là có những hãng tàu có tình trạng khó khăn như Hanjin nhưng chưa đến mức bị phá sản. Do đó, phải theo dõi sát động thái các thông tin của các hãng tàu để lựa chọn dịch vụ cho phù hợp.Với DN sử dụng các dịch vụ từ các hãng logistics, phải yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ cung cấp thông tin thường xuyên về các nhà vận chuyển, hãng tàu để có cân nhắc phù hợp.Trường hợp đã đưa hàng vào container của Hanjin cần nhanh chóng lấy hàng ra và liên hệ đối tác nước ngoài để có phương án lựa chọn, thay đổi hãng tàu.Còn với lô hàng đã cập cảng, khẩn trương hoàn thành thủ tục và thông quan, giải phóng hàng ra khỏi container của Hanjin. Những lô hàng đang được vận chuyển thì cần tiếp tục làm việc với văn phòng đại diện của Hanjin để theo dõi lịch trình và phối hợp với các đối tác nhập khẩu để có phương án nhận hàng tại cảng.
Theo ông câu chuyện này đặt ra bài học gì cho các DN xuất nhập khẩu trong việc lựa chọn các hãng tàu vận chuyển?Câu chuyện này đã phần nào phản ánh vị thế của DN xuất khẩu và logistics của Việt Nam trong hoạt động vận chuyển. Khi đàm phán hợp đồng thương mại quốc tế, các điều kiện giao hàng sẽ nói lên doanh nghiệp nào được quyền thuê tàu. Nhiều trường hợp DN Việt Nam khi đàm phán hợp đồng, có thể nắm quyền chỉ định thuê tàu nhưng lại ngại. Bởi DN thấy phức tạp, khó khăn, phát sinh thêm những khâu phải lo thêm nên đã để cho phía đối tác làm.Đó là thực trạng tồn tại nhiều năm nay mà DN phải thay đổi. Chính điều đó cũng ảnh hưởng đến đội tàu Việt Nam không tham gia được đội tàu vận tải quốc tế. Do đó, các DN chủ hàng phải quan tâm hơn đến khâu logistics và giành quyền chủ động trong việc can thiệp vào chuỗi logistics để lựa chọn dịch vụ theo đúng ý mình.DN cũng cần phải nắm kiến thức đầy đủ về các nhà cung ứng dịch vụ, bởi nếu được quyền thuê tàu lại không biết hãng nào tốt, thì sẽ không đem lại tác dụng. Điều này cũng phản ánh chung đặc điểm của DN Việt Nam về dịch vụ logistics, chỉ biết sản xuất, bán hàng còn khâu vận chuyển, làm sao để hàng hóa đến tay người mua hoặc làm sao để từ người bán đến với mình một cách nhanh nhất, chi phí hợp lý nhất thì chưa quan tâm.
Theo Trí thức trẻ