Hé lộ 3 ngân hàng nhận gần 306.000 tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước

Từ số liệu báo cáo tài chính cho thấy lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại BIDV, Vietcombank, VietinBank tăng mạnh trong quý III và 9 tháng đầu năm.

Theo đó, tính đến ngày 30/9, BIDV có hơn 122.279 tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước. Trong đó, 120.700 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và hơn 1.600 tỷ tiền gửi thanh toán.

Tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng này liên tục tăng, từ 11.787 tỷ đồng vào cuối năm 2021 lên 40.126 tỷ đồng khi kết thúc quý I, rồi đạt lần lượt 71.978 tỷ đồng và 122.279 tỷ đồng tại thời điểm 30/6 và 30/9.

Tương tự, ngân hàng VietinBank cũng nhận tiền gửi của Kho bạc Nhà nước từ mức 31.789 tỷ vào cuối năm trước lên 97.463 tỷ đồng tại thời điểm 30/9. Riêng trong quý III, tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại VietinBank đã tăng thêm gần 39.300 tỷ đồng, tương đương 67,5%.

Với Vietcombank, tiền gửi Kho bạc Nhà nước vào cuối tháng 9/2022 đạt 86.244 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần so với thời điểm 31/12/2021. Trong quý III/2022, lượng tiền gửi này đã tăng thêm gần 27.200 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến ngày 30/9, ba ngân hàng quốc doanh trên đã nhận gần 306.000 tỷ đồng tiền gửi Kho bạc Nhà nước, tăng hơn 254.700 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Riêng quý III/2022, lượng tiền gửi này tăng thêm gần 117.700 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9, BIDV có lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước lớn nhất, hơn 122.279 tỷ đồng

Xu hướng tăng mạnh của tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất chậm. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đầu năm 2022 mới chỉ đạt 46,44% kế hoạch.

Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 51,34%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Điều này đồng nghĩa một lượng tiền lớn để chi tiêu công không được sử dụng đến trong nửa đầu năm.

Nhưng về phía các ngân hàng, quy mô lượng tiền gửi Kho bạc Nhà nước tăng đột biến trở thành một nguồn hỗ trợ đáng kể giúp nhóm Big4 giảm áp lực huy động tiền gửi từ khách hàng.

Chưa kể, với việc chiếm gần một nửa thị phần trong cơ cấu huy động và cho vay trong hệ thống (quanh 50%), dòng tiền lớn của Kho bạc Nhà nước trú ngụ tại Big4 cũng có tác động đáng kể giúp kiềm chế cuộc đua lãi suất huy động.

Ngoài ra, tiền gửi Kho bạc Nhà nước ứ đọng tại các ngân hàng đã từng xuất hiện vào thời gian trước với khoảng 500.000 tỷ đồng. Lúc đó, đại diện lãnh đạo Chính phủ phải đặt ra yêu cầu cân đối tại diễn đàn Quốc hội…

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phần lớn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước hiện nay là tiền gửi có kỳ hạn với đặc điểm có tính cố định hơn, lãi suất nhận được cao hơn nhiều so với tiền gửi thanh toán không kỳ hạn.

Có thể bạn quan tâm