Vừa qua, Dự thảo cuối cùng của Hiệp định thương mại quan trọng bậc nhất nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được công bố.
Theo đó, kể từ ngày CPTPP có hiệu lực, bất kỳ một quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan riêng biệt nào đều có thể gia nhập vào Hiệp định này, theo các điều khoản và điều kiện được thống nhất giữa các Bên của Hiệp định với quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan riêng biệt đó.
Theo Reuters, có hơn 20 điều khoản đã bị tạm hoãn hoặc thay đổi trong CPTPP so với "thỏa thuận tiền nhiệm" là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương" (TPP) sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này trong năm ngoái.
Trong số đó, có những điều khoản liên quan tới việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vốn được đưa vào ban đầu theo yêu cầu của Washington.
Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ít nhất sáu nước ký kết hoặc ít nhất 50 phần trăm số nước ký kết của Hiệp định, tùy trường hợp nào cho giá trị nhỏ hơn, thông báo cho Cơ quan lưu chiểu bằng văn bản rằng họ đã hoàn thành các thủ tục pháp lý hiện hành của mình.
Đối với bất kỳ nước ký kết nào của Hiệp định này mà với nước đó Hiệp định chưa có hiệu lực theo khoản 1, Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày nước ký kết đó thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu chiểu rằng họ đã hoàn thành các thủ tục pháp lý hiện hành của mình.
Theo nội dung của Hiệp định này, bất kỳ Bên nào đều có thể rút khỏi Hiệp định này bằng cách gửi thông báo bằng văn bản tới Cơ quan lưu chiểu. Bên rút khỏi Hiệp định sẽ đồng thời thông báo cho các Bên khác về việc rút khỏi Hiệp định thông qua các đầu mối chung được chỉ định tại Điều 27.5 (Đầu mối liên lạc) của Hiệp định TPP.
Việc rút khỏi Hiệp định sẽ có hiệu lực sau sáu tháng kể từ khi một Bên gửi thông báo bằng văn bản cho Cơ quan lưu chiểu theo khoản 1, trừ khi các Bên đồng ý về một khoảng thời gian khác. Nếu một Bên rút khỏi Hiệp định, Hiệp định này vẫn có hiệu lực với các Bên còn lại.
CPTPP (trước đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP) với 12 thành viên ban đầu đã rơi vào thế bế tắc và tưởng như đã "chết" trong năm ngoái khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định này để ưu tiên bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ.
Tuy nhiên sau đó, 11 quốc gia thành viên còn lại, với sự dẫn dắt của Nhật Bản, đã hoàn tất một hiệp định thương mại sửa đổi khác trong tháng 1 năm nay, đổi tên TPP thành CPTPP và dự kiến sẽ ký chính thức tại Chile trong ngày 8/3/2018.
11 quốc gia đang tham gia CPTPP gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.