Theo thông tin từ Bộ Công Thương, hiện nay, bộ này đang tiến hành thanh tra toàn diện các hoạt hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) kể từ năm 2010 đến nay.
Trong quá trình thực hiện thanh tra, Bộ Công Thương cho biết đã chuyển hồ sơ về sai phạm phát hiện trong quá trình thanh tra tại VEAM sang Bộ Công an. Bộ Công an đang thụ lý vụ việc và xử lý theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.
Bộ Công Thương cho biết sẽ thông báo rộng rãi thông tin liên quan khi các cơ quan chức năng ban hành kết luận.
Trong một diễn biến mới đây, VEAM đã công bố báo cáo tài chính riêng lẻ kiểm toán năm 2018. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của báo cáo tài chính được kiểm toán thấp hơn 287 tỷ đồng so với lợi nhuận sau thuế trước kiểm toán.
Sự chênh lệch này, theo VEAM, là do báo cáo tài chính trước kiểm toán đã ghi nhận lợi nhuận được phân phối từ Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công (có 100% vốn góp của VEAM) nhưng chưa có quyết định của HĐQT VEAM phê duyệt. Kiểm toán đã phát hiện và yêu cầu điều chỉnh.
Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ VEAM đạt 4.702 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 7.047 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2017.
Các yếu tố tác động tích cực đến lợi nhuận VEAM bao gồm: doanh thu hoạt động tài chính tăng 64%, chủ yếu do tăng doanh thu từ hoạt động tiền gửi; lãi trong công ty liên doanh, liên kết - nguồn lợi nhuận chủ yếu của VEAM - tăng 32%, do hoạt động của các công ty này có kết quả tốt hơn so với năm 2017 (VEAM hiện nắm 20% vốn tại Toyota Việt Nam, 30% vốn tại Honda Việt Nam và 25% vốn tại Ford Việt Nam); chi phí bán hàng giảm 37%; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 19%.