Ngày 8/5, tại Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã tổ chức hội thảo khoa học "Đề xuất tăng các mức thuế của Bộ Tài chính: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều".Thời điểm này không nên tăng thuế vì Chính phủ đang kêu gọi khởi nghiệp. Thay vào đó, hãy tìm cách chống thất thu thuế.
Chủ yếu tăng thu là chính
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế, hệ thống thuế hiện nay gồm 10 loại thuế và 2 khoản phí, lệ phí. Giai đoạn 1996-2016, tỉ lệ động viên thu ngân sách nhà nước bình quân khoảng 23,7% và tỉ lệ động viên GDP khoảng 16,7%. Mức động viên này còn khoảng cách xa so với Chiến lược thuế 2011-2020.
Trong 5 năm qua, sắc thuế sửa đổi nhiều nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa 6 luật thuế (gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân...); Luật thuế bảo vệ môi trường (Chính phủ đã xin lùi thời hạn trình vào năm 2019) và lấy ý kiến xây dựng hồ sơ dự án Luật thuế tài sản.
PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng nhà đầu tư và người dân luôn phải đánh cược với người làm chính sách thuế vì nhiều sắc thuế sửa đổi liên tục, mỗi lần sửa đổi chỉ cách nhau 1 năm. Những giải trình, dẫn chứng của Bộ Tài chính chưa thuyết phục, thiếu chi tiết và chưa đánh giá hiệu quả của việc đề xuất đối với kinh tế - xã hội.
Dư luận cảm thấy mục tiêu sửa đổi thuế hướng tới huy động nguồn thu ngân sách nhà nước, chưa tính đến chính sách thuế phải tạo động lực cho phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, đóng góp nhiều hơn nữa cho nguồn thu ngân sách. "Với Bộ Tài chính, nếu chỉ đứng ở góc độ thu ngân sách trong quá trình tái cơ cấu ngân sách, tìm giải pháp cân đối ngân sách thì cách dễ nhất là tăng thuế" - ông Long nói.
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, nhận xét Bộ Tài chính đang lúng túng trước áp lực cân đối ngân sách do thu thuế nhập khẩu giảm, vấn đề chống chuyển giá... Từ đó dẫn đến việc "dễ thu, khó bỏ" như đề xuất đánh thuế tài sản nhà đất có giá trị từ 700 triệu đồng, chạm vào vấn đề an sinh xã hội, vi phạm nguyên tắc công bằng trong chính sách thuế.
"Nợ đọng thuế lên đến 70.000 tỉ đồng. Thu thuế tài sản cao nhất chỉ khoảng 30.000 tỉ đồng. Hãy tăng hiệu quả của ngành thuế, đặt mục tiêu chống thất thu hơn mục tiêu tăng thu; đừng để thu 10 đồng chi cho ngành 7 đồng, chưa kể tham nhũng, ăn chia" - ông Phong kiến nghị.
Tăng thu - phản tác dụng
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cùng nhận định trong các đề xuất tăng thuế, Bộ Tài chính đều lập luận "để phù hợp với thông lệ thế giới" là cứng nhắc, chưa thuyết phục. Chuyên gia Bùi Trinh nhấn mạnh: "Việt Nam nợ nần, chi tiêu quá tay, hội nhập không mục đích khiến ngân sách thất thu, phải đánh thuế cao. Cần giải thích thế nào để người dân hiểu được, không thể nói các nước thế tôi cũng thế vì các nước không bội chi cao như Việt Nam, không cùng cách tính nợ công. Như thế khác nào cứ thiệt thòi cho dân thì áp dụng".
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Phòng Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết bản thân ông cũng "hoa mắt" với các đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính gần đây. Chỉ riêng dự thảo một luật thuế sửa 6 luật, nếu bóc tách ra đã liên quan tới 30 loại thuế khác nhau. Tính tăng thu rất đậm nét trong các đề xuất sửa đổi chính sách thuế. Cần đặt vấn đề tăng thuế trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải tăng chi phí rất lớn như tăng lương tối thiểu, tăng giá xăng dầu. Nếu tăng thuế nữa sẽ ảnh hưởng ngay đến hiệu quả kinh doanh. Hơn nữa, đã có cảnh báo về tốc độ tăng chi phí đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu và như vậy rất đáng báo động với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu cho biết viện đã có nghiên cứu cho thấy đề xuất tăng thuế GTGT đem lại nguồn thu trước mắt cho ngân sách nhưng khi tính toán tất cả các yếu tố tác động do tăng thuế và các tác động khác thì lại đưa đến một kết quả tiêu cực, tức là kết quả âm chứ không phải tăng thu.
Ông Hiếu cho rằng người dân có quyền nghi ngờ tất cả các chính sách được đưa ra. Trong các đề xuất chính sách cần phải giải thích nhằm mục tiêu gì, tác động toàn diện như thế nào. Sai lầm của Bộ Tài chính là chỉ đưa ra một phương án chính sách, không có căn cứ để so sánh, lựa chọn.
Không nên tăng thuế lúc này
GS-TS Nguyễn Văn Nam, Viện Ngân hàng Tài chính, cho rằng thời điểm này không nên tăng thuế vì Chính phủ đang có phong trào khởi nghiệp. Khi đầu tư, doanh nghiệp phải tính điều kiện đầu tư trong đó có thuế, đất..., chính sách thay đổi thì các phương án đầu tư cũng phải thay đổi.
Theo Tô Hà/Người lao động