Biển mây Chiêu Lầu Thi
Đầu tháng 3, khi những rừng đào mận miền Bắc đang tàn dần, chúng tôi xách balô rồi tự lái ô tô hướng thẳng tới Hoàng Su Phì với một kế hoạch không định trước.
Cách Hà Nội khoảng 300km về phía Đông Bắc, Hoàng Su Phì là huyện vùng cao nằm ở phía Tây Hà Giang nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang di sản. Nhưng nếu đi vào mùa không có lúa chín như chúng tôi thì sẽ được trải nghiệm điều gì? Nếu ở Hà Nội mây mù sương phủ và đôi khi mưa rét thì đường lên Hà Giang mỗi lúc một sáng trời. Xe chúng tôi mất hơn 5 giờ để đến Nậm Hồng, ăn bữa trưa đầu tiên và dừng nghỉ trước khi đi tiếp đến Chiêu Lầu Thi.
Trước khi đi, tôi vẫn chưa hình dung ra địa hình Hoàng Su Phì, dù được nhiều người bạn “dọa” rằng đường sá rất ngoằn ngoèo nên dễ say xe. Quả thực đường xa và xóc, nhưng trời mỗi lúc một đẹp hơn, hửng nắng trên những khúc đường cua gấp khiến tôi vừa nôn nao vừa háo hức.
Đi từ 6 giờ sáng nhưng tận 12 giờ trưa chúng tôi mới đến thôn homestay Nậm Hồng ở xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì. Sở dĩ gọi là thôn homestay vì Nậm Hồng có tới 10 hộ đang làm homestay với hai khu nghỉ dưỡng chất lượng cao đang thành hình, trong khi cách đây 5-7 năm ở đây vẫn chỉ là đường đất và dân còn chưa có điện lưới để dùng.
Chúng tôi ghé chơi và ăn trưa nhà anh Triệu Kinh, một trong những người đầu tiên đưa khách du lịch về với Nậm Hồng, đồng thời xây dựng nên mô hình du lịch cộng đồng. Mặc dù đón khách được hơn 5 năm nhưng những gia đình Dao đỏ nơi đây vẫn giữ được nét văn hóa bản địa. Họ vẫn sống trong những ngôi nhà sàn cổ kính, bao quanh là vườn cây, những thửa ruộng bậc thang trùng điệp, ngày ngày cày cấy, trồng rau, thảo quả, hái chè shan tuyết… và đặc biệt là vẫn mặc những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ, chi tiết thêu tay tỉ mỉ khiến ai cũng trầm trồ.
Nguồn: Internet
Biển mây bồng bềnh hư ảo nhìn từ Chiêu Lầu Thi.
Nghỉ trưa xong, chúng tôi lại hỏi đường để đi tiếp đến Chiêu Lầu Thi, một điểm trekking, săn biển mây và cũng là nơi nghỉ tối đầu tiên. Nắng chiều vàng như mật rót xuống những dãy núi cao bao lấy cung đường chúng tôi đi. Đường từ Nậm Hồng qua Chiêu Lầu Thi tốn hơn 2 giờ, trong đó 15km cuối cùng mới là thử thách với các tài xế. Chiêu Lầu Thi (tên khác là Kiêu Liều Ti) thuộc địa phận thôn Tân Minh và thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì.
Theo tiếng Hán, Chiêu Lầu Thi có nghĩa là “chín tầng thang”. Đây cũng là đỉnh núi cao thứ hai của Hà Giang (2.402m) nằm trong dãy Tây Côn Lĩnh. Cách đây không lâu, đường lên núi vẫn chỉ là đường đất cày lên sỏi đá, thường xuyên sạt lở. Nhưng hiện tại, con đường bê tông đủ cho xe 9 chỗ chạy lên đã sắp hoàn thiện.
Nguồn: Internet
Con đường mòn khúc khuỷu lên đỉnh Chiêu Lầu Thi.
Xe chúng tôi bò qua từng con dốc nhỏ chồng lên nhau và mỗi lúc một cao hơn, đã có lúc tài xế chỉ muốn dừng lại quay đầu vì núi sạt và xe đụng gầm đá ở đoạn đường chưa làm xong.
Cuối cùng khoảng gần 5 giờ chiều, mọi người cũng đến được homestay của chú Phú ở chân núi để đi bộ tiếp lên đỉnh Chiêu Lầu Thi. Nắng không còn nhiều nhưng trời vẫn sáng thứ ánh sáng vừa mềm vừa lạnh của vùng biên viễn. Từ dưới chân núi đi bộ lên, chúng tôi động viên nhau chỉ còn vài trăm mét nữa là tới đỉnh cao nhất rồi. Chặng cuối cùng này không lấy quá nhiều sức của mọi người nhưng là lúc ai cũng mệt sau cả ngày ngồi xe lắc lư và bữa trưa đã tiêu hết.
Tuy cung đường đi bộ từ chân núi lên đỉnh chỉ 800m nhưng thời gian đi có thể kéo dài 30-40 phút một chiều. Đường dẫn chúng tôi đi xuyên rừng, dưới những vòm cây và qua nhiều dốc cao khúc khuỷu, lúc bậc thang ngay ngắn và thoáng đãng, lúc lại bốn bề rậm rạp cây cỏ. Vừa đi tôi vừa có thể ngắm cảnh bên đường là những thảm thực vật thay đổi theo độ cao.
Càng lên cao cây rừng càng dày đặc, xuất hiện những loài hoa lá chỉ có trên núi và các thân cây quấn đầy rêu mốc. Chóp núi ghi chữ Chiêu Lầu Thi 2.402m sáng bóng hiện ra trước mắt chúng tôi trong một niềm vui khó tả. Dường như lâu lắm rồi tôi mới lại được đắm mình giữa biển mây bồng bềnh không phải vào một sớm mai mà là chiều tà như thế này.
Nguồn: Internet
Cảnh đẹp ngoạn mục của những thửa ruộng bậc thang ngập nước.
Sau khi đi qua những con đường uốn khúc và gập ghềnh tưởng chừng phải dừng xe bỏ cuộc và dốc sức kéo thân mình lên những dốc núi, cảm giác được dang tay đón hơi gió lành lạnh và nắng cuối ngày hanh hao trên đỉnh cao thật sảng khoái. Mây chiều không dồn dập, bồng bềnh như mây sáng sớm nhưng vẫn làm kẻ lữ khách phải ngạc nhiên, im lặng và đắm chìm.
Đến 5 giờ hơn chân trời bắt đầu ửng sắc cam hồng báo hiệu hoàng hôn sắp xuống, và chỉ hơn chục phút sau mặt trời đã chuyển từ sáng rực sang đỏ ửng như lòng trứng gà bị biển mây và những dãy núi trùng điệp “nuốt” dần.
Nguồn: Internet
Chóp đỉnh Chiêu Lầu Thi, còn có tên gọi khác là Kiêu Liều Ti, có nghĩa là “chín tầng thang”.
Gió rít nhiều hơn rồi hoàng hôn cũng tắt, chúng tôi trở về homestay. Đêm đó chúng tôi gặp được thêm một nhóm du khách bụi khác cũng lên săn mây Chiêu Lầu Thi vào sáng hôm sau. Gia đình chú Phú mổ dê núi đãi khách, mùi thịt nướng quyện vào khói bếp thơm đến nao lòng. Bữa tối là những món đặc sản nấu từ dê chính nhà chú nuôi.
Đêm trên Chiêu Lầu Thi không có sóng điện thoại nên càng không có wifi, 3G. Chúng tôi ăn cơm trong ánh đèn mới kéo về bản. Đó là một bữa cơm ấm áp đong đầy tiếng cười và những câu chuyện vui dù mọi người hầu như lần đầu gặp nhau. Ăn xong ai nấy lần lượt trải nghiệm tắm lá thuốc. Cảm giác sau một ngày di chuyển liên tục mà được ngâm mình, giãn cơ trong bồn gỗ đầy thứ nước thơm mùi dược liệu thì còn gì bằng.
Nguồn: Internet
Núi rừng Hoàng Su Phì huyền ảo trong ánh hoàng hôn.
Ngắm những nấc thang lên trời
Sáng hôm sau chúng tôi lên đường sớm chẳng kém ngày đầu. Từ 6 giờ, chúng tôi gọi nhau dậy chào gia đình chú Phú rồi lên đường xuống huyện. Đoạn đường hôm trước vất vả đi lên thì hôm sau bồng bềnh trong sương sớm, nắng ban mai trải dài những thung lũng sâu và hơi lạnh trườn vào trong áo khoác, len lỏi qua tấm khăn quàng vội.
Dù đến vào những ngày ruộng cạn, không lúa mạ cũng không nhiều nước, chúng tôi vẫn quyết định đi về trung tâm huyện bằng một con đường ngoằn ngoèo qua Bản Luốc, rồi tranh thủ ngược lên Bản Phùng, để ngắm những thửa ruộng bậc thang chưa vào mùa gieo hạt nhưng vẫn đẹp mê hoặc.
Trên đường đi thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp một vài nóc nhà của người Nùng và Dao nằm chênh vênh. Một ngày cuối tuần thật vắng vẻ và tuyệt nhiên không thấy xe máy dân phượt hay xe khách nào cả.
Sau khi xuống trung tâm Hồ Thầu ăn trưa, chúng tôi mới tiếp tục lên đường. Tới Bản Luốc, Bản Phùng từ trên cao nhìn xuống, những thửa ruộng bậc thang đều tăm tắp quấn quanh lưng núi, trải dài miên man và hùng vĩ.
Nếu ở Bản Luốc là những nếp nhà dân tộc nép mình bên sườn núi thì đến Bản Phùng sẽ thấy bản tập trung dưới thung lũng yên bình và men theo một con suối. Đây là xã có rất đông người dân tộc La Chí sinh sống và nổi tiếng với những ruộng lúa bậc thang trùng điệp giữa làn mây. Các thửa ruộng ở đây nhỏ hẹp nhưng cao, xếp tầng tầng lớp lớp ngút trời nên còn được ví như “những nấc thang lên trời”.
Nguồn: Internet
Những mái nhà lác đác dọc triền núi nằm yên bình trong sương sớm.
Nguồn: Internet
Thác nước giữa rừng tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.
Dù mới đầu tháng 3 nhưng ruộng ở Bản Phùng đã đổ nước dần, ruộng không trống trơn hay đầy cỏ mọc như những nơi khác mà bắt đầu lấp loáng màu nước. Chúng tôi đến đây giữa chiều, trời lạnh dần và nắng hắt xiên từ dãy núi bên cạnh nên chỉ đủ chiếu xuống một khu vực ruộng. Tuy vậy, chỉ cần một chén chè tươi mới pha cũng đủ để mọi người có cớ nhâm nhi, trò chuyện và ngắm nhìn “di sản”.
Nguồn: Internet
Bếp luôn đỏ lửa quyện cùng khói thơm và tiếng cười của dân bản.
Nguồn: Internet
Những thửa ruộng tầng tầng lớp lớp như những nấc thang lên trời.
Đi chợ phiên như người dân tộc
Biết tin chợ phiên Hoàng Su Phì chỉ mở vào sáng Chủ Nhật, tối thứ 7 chúng tôi kịp về ngay thị trấn Vinh Quang, chọn một nhà nghỉ sát trục đường chính. Mới tinh mơ đã nghe tiếng gà gáy, tiếng lục đục ngoài đường. Dù còn rất ngái ngủ, chúng tôi vẫn xách máy ảnh thử đi chợ như người dân tộc.
Chợ vừa sau Tết nguyên đán chưa lâu nên bớt nhộn nhịp nhưng không vì thế mà kém vui với người lần đầu đi chợ phiên Hoàng Su Phì như tôi. Trước khi lạc mình giữa cơ man những sản vật ở chợ phiên, tôi sà vào một hàng ăn gần đó gọi tô phở gà nóng hổi cho tỉnh người. Phở ở đây thường làm từ gạo bào thai hồng nên có màu hơi hồng lại được thái tay nên sợi dày, nước đậm đà và thêm gà chặt rất thơm, chắc thịt. Mùi nước dùng mới nấu dậy lên làm tôi ăn mải miết vì sợ nguội.
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet
Chợ phiên cuối tuần của người dân tộc luôn tấp nập người mua, kẻ bán
Vừa bước ra khỏi quán đã thấy các mẹ, các chị người Tày, Nùng, Dao, Mông… sặc sỡ các màu áo dân tộc, ngồi bày bán đủ thứ sản vật từ rau củ, thảo dược, bánh trái… cho tới vải vóc, hương trầm.
Chợ phiên Vinh Quang đã có gần 200 năm qua, là một trong bốn chợ được hình thành lâu đời nhất và vẫn duy trì tới ngày nay ở Hoàng Su Phì. Hiện chợ họp ngoài trời ngay ven suối giáp tỉnh lộ 177 (giáp cầu Vinh Quang đi Bản Luốc ngày nay).
Người dân đi từ các bản quanh thị trấn tới để họp chợ, bán hàng từ sáng sớm đến tận cuối chiều. Người thì đi trên xe thồ, xe gắn máy, người thì đi bộ từ triền núi, ven suối hướng xuống chợ với vẻ háo hức, khẩn trương. Đặc biệt, hầu như người nào cũng mang theo ít nhất là một loại sản vật quen thuộc của đồng bào xuống chợ.
Không chỉ là nơi trao đổi cây nhà lá vườn, nơi mua trâu, gà, lợn mà chợ phiên còn là chốn gặp gỡ, hẹn hò, trao đổi chuyện gia đình, mùa màng. Góc này các chị mua bán sôi nổi các loại rau củ, vải vóc, góc khác cũng đang náo nhiệt vì kẻ bán người mua mời nhau những chén rượu mới nấu.
Nguồn: Internet
Thác nước là địa điểm check-in quen thuộc không thể bỏ qua của dân phượt.
Nguồn: Internet
Nhảy dù trên những thửa ruộng bậc thang là trải nghiệm tuyệt vời của dân du lịch ưa mạo hiểm.
Rời Hoàng Su Phì, trong tôi có chút tiếc nuối vì chẳng còn thời gian để trekking rừng già lên Tây Côn Lĩnh mùa hoa đỗ quyên. Nhưng có lẽ vì thế, tôi có cớ hẹn ngày quay lại miền núi xinh đẹp này thêm nhiều lần nữa.