Hội đồng Lý luận Trung ương khảo sát về tình hình phát triển kinh tế tư nhân

Ngày 2/12, Hội đồng Lý luận Trung ương đã có cuộc làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp Hà Nội (HBA) và các doanh nghiệp thành viên để khảo sát về tình hình phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Hội đồng Lý luận Trung ương khảo sát về tình hình phát triển kinh tế tư nhân

Từ phải qua: GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, TS Đinh Quang Ty, Cộng tác viên khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương.

Đây là hoạt động nằm trong Đề án khảo sát về tình hình phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam, chuẩn bị cho các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới. Tham dự buổi làm việc có GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương... Về phía HBA có ông Hoàng Long Quang – Phó Chủ tịch HBA và đại diện các doanh nghiệp thành viên.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Trong thời gian vừa qua, Hội đồng lý luận Trung ương đã có nhiều đề án nghiên cứu các vấn đề liên quan tới lý luận, kinh tế để giúp Trung ương Đảng có những cái nhìn chính xác về tình hình phát triển kinh tế, xã hội đất nước trong thời giai đoạn hiện tại. Đồng thời, Hội đồng Lý luận Trung ương cũng đưa ra những khuyến nghị về các chính sách cụ thể để đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt đối với khu vực kinh tế tư nhân, một nhân tố quan trọng của nền kinh tế. 

Cần thêm hỗ trợ về môi trường kinh doanh

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Tuấn Hải, CTHĐQT, TGĐ Alphanam về việc tháo gỡ những vướng mắc để khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Theo ông Nguyễn Tuấn Hải thì cộng đồng đồng doanh nghiệp rất "phấn khích" với những chủ trương, chính sách được đưa ra tại Đại hội Đảng vừa qua. Nghị quyết TW đã thực sự sâu sát với thực tế đất nước, tạo hiệu quả đối với nền kinh tế. Một số thay đổi lớn như tập trung vài trò lãnh đạo tại các địa phương, công tác tổ chức cán bộ... đã tạo sự chuyển biến lớn trong tâm lý cộng đồng doanh nghiệp nói chung. 

Ông Nguyễn Tuấn Hải lấy những quyết tâm thay đổi của Hà Nội để làm ví dụ. Rất nhiều chủ trương, chính sách đã và đang được triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia thị trường. Những chủ trương ấy đã được thể hiện rõ với phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp thành phố ngày 28/11 của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Hải, mặc dù các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã bắt kịp với cuộc sống kinh tế nhưng vấn đề triển khai những chủ trương, chính sách ấy vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân chính khiến việc triển khai gặp nhiều khó khăn là chất lượng công chức, khi mà càng "xuống dưới" chất lượng công chức càng kém. "Đây chính là một điểm khiến những chủ trương chính sách mặc dù rất "trúng" nhưng vẫn bị nghẽn, chưa đi vào đời sống.

Ông Nguyễn Tuấn Hải, CTHĐQT, TGĐ Alphanam (ngoài cùng bên phải)

Một trong những ví dụ điển hình được ông Hải đưa ra đối với doanh nghiệp mình là việc phải "tiếp" quá nhiều các đoàn kiểm tra, làm việc khi ông mở siêu thị Alphanam đầu tiên. "Mỗi tuần chúng tôi phải đón ít nhất 2-3 đoàn cán bộ xuống làm việc với doanh nghiệp. Mỗi đoàn lại phải có 3 người để tiếp, một lãnh đạo để "ngoại giao", một luật sư để trả lời các vấn đề liên quan đến thủ tục và một nhân sự nữa lo các hoạt động đón tiếp". Những việc này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, nhưng điều quan trọng hơn là khiến "doanh nghiệp cảm thấy ức chế cũng như rủi ro trong công việc. Đây chính là một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp" ông Hải nói. 

"Nếu có điều kiện, các cơ quan quản lý nên làm một điều tra xem để mở một siêu thị cần bao nhiêu chi phí và các loại giấy tờ? Kết quả chắc chắn sẽ khiến các cơ quan quản lý bất ngờ, và cũng sẽ hiểu doanh nghiệp gặp khó tới mức nào. 

Ông Nguyễn Tuấn Hải, CTHĐQT, TGĐ Alphanam

Chính vì thế, bên cạnh những ưu đãi từ chính sách mà doanh nghiệp rất cần thì điều mà doanh nghiệp cần hơn nữa là sự thay đổi cách quản lý để làm môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giúp các doanh nghiệp có "niềm tin" hơn để sản xuất kinh doanh.

Cần có sự tham gia của doanh nghiệp khi làm chính sách

Cùng quan điểm với ông Nguyễn Tuấn Hải, ông Phạm Đình Đoàn, CTHĐQT Tập đoàn Phú Thái cũng lấy chính Hà Nội làm ví dụ. "Hà Nội quyết tâm đổi mới, tuy nhiên trong quá trình triển khai những chính sách, chủ trương mới, vẫn gặp nhiều khó khăn vì bộ máy cồng kềnh. Tốc độ giải quyết vẫn chậm hơn so với tốc độ phát sinh những khó khăn đối với doanh nghiệp. Nếu không có sự đột phá thì sẽ rất khó để phát triển." ông Phạm Đình Đoàn nhấn mạnh. 

Từ trái qua: Ông Hoàng Long Quang – Phó Chủ tịch HBA, ông Phạm Đình Đoàn CTHĐQT, TGĐ tập đoàn Phú Thái

 Đặc biệt, theo ông Phạm Đình Đoàn, nếu giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp mà không xuất phát từ chính các doanh nghiệp thì sẽ rất khó. Theo ông Đoàn, việc xây dựng các chính sách, bộ luật mà không có sự tham gia của chính sách doanh nghiệp thì sẽ rất khó khi triển khai. 

" Nhà nước tập trung vào điều tiết kinh tế vĩ mô, giảm những "tắc nghẽn" chính sách để thúc đẩy nhiều hơn doanh nghiệp tham gia thị trường. Ngoài ra, khi đưa ra những chính sách cũng cần dựa trên thực tế và lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. 

Ông Phạm Đình Đoàn - CTHĐQT, TGĐ Tập đoàn Phú Thái

Đặc biệt, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong việc định hướng cho các doanh nghiệp theo những lĩnh vực cụ thể để tập trung phát triển. Ông Phạm Đình Đoàn đưa ra ví dụ về Tập đoàn Okamura của Nhật Bản để minh chứng cho vai trò định hướng của Nhà nước. Theo ông Đoàn, trước đây Okamura và Toyota đều là các doanh nghiệp sản xuất ôtô của Nhật. Nhưng sau khi có định hướng của Nhà nước Nhật, Okamura đã chuyển hướng sang chuyên sản xuất bàn ghế. "Sự chuyển hướng ấy, cùng với những cam kết hỗ trợ từ phía Chính phủ Nhật Bản đã giúp đất nước này có một Toyota hàng đầu trong sản xuất ôtô và một Okamura hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất bàn ghế, thay vì hai doanh nghiệp ôtô chỉ cạnh tranh trong thị trường nước Nhật", ông Đoàn chia sẻ.

Thách thức lớn nhất vẫn là thủ tục hành chính

Đồng tình với các doanh nghiệp, Ông Hoàng Long Quang – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HN nhấn mạnh "Thách thức lớn nhất vẫn là các thủ tục hành chính. Điều này khiến những hỗ trợ khác bị giảm tính hiệu quả, đôi khi bị triệt tiêu tác dụng" ông Hoàng Long Quang nhấn mạnh. 

Theo HBA, Nhà nước cần sớm có chính sách bảo vệ các doanh nghiệp Việt trước sự cạnh tranh của hàng hóa và các doanh nghiệp ngoại.

Từ thực tế ấy, ông Hoàng Long Quang thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội (HBA) cho rằng đã đến lúc Đảng và Nhà nước cần chú trọng hơn đến hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp trong nước, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển khối kinh tế tư nhân.

Một số kiến nghị cụ thể của HBA được đưa ra như: Tổ chức tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, tư duy về vai trò của kinh tế tư nhân, tư duy về quản lý kinh tế, về hoạch định chính sách... Ngoài ra HBA cũng kiến nghị tổng rà soát, kiểm tra các văn bản pháp luật đã ban hành liên quan đến doanh nghiệp để gỡ bỏ các rào cản, không cần thiết đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng, tự do, tự chủ trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo đúng tinh thần của Luật doanh nghiệp.  

Nhà nước cũng cần phát hiện những kẽ hở của các văn bản pháp luật hiện hành về quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp sau khi được cấp phép. Đảm bảo cho mọi hoạt động của doanh nghiệp đều không được gây hậu quả làm tổn hại môi trường, sức khỏe người dân và an ninh quốc gia. Đồng thời đưa ra các chế tài xử phạt đủ mạnh, đủ sức răn đe các doanh nghiệp vi phạm. 

Đặc biệt, theo HBA, công tác theo dõi, giám sát hoạt động của doanh nghiệp cần được chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là chủ yếu. Nhà nước cần tập trung nhân lực vào hai khâu chủ yếu của quản lý nhà nước là: Hoạch định cơ chế chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật. Các nhiệm vụ khác như: Xúc tiến thương mại, đầu tư, cung cấp các dịch vụ công... nên được xã hội hóa, giao cho các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp... có chức năng và chuyên môn phù hợp thực hiện để giảm tải cho bộ máy và ngân sách nhà nước. 

Tiếp nhận các ý kiến của các doanh nghiệp và HBA, GS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ. So với trước đây, vai trò của kinh tế tư nhân đã được đánh giá một cách chính xác hơn. Vai trò và vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân rất được coi trọng và là nhân tố đầu tiên trong việc hoạch định chính sách. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế tư nhân. 

"Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, là kinh tế của nhân dân, là nguồn lực lớn mà chúng ta chưa phát huy hết được sức mạnh của nó. Thời gian tới Đảng và nhà nước sẽ quyết tâm đẩy mạnh việc cải cách các cơ chế chính sách, tạo ra một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, thông thoáng để các doanh nghiệp nói chung và khối doanh nghiệp tư nhân nói riêng đóng góp được nhiều hơn vào nền kinh tế quốc gia. 

GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

GS Phùng Hữu Phú cũng nhấn mạnh, chúng ta đã có những cơ chế chính sách tốt, nhưng để có thể phát huy hết những ưu việt của nó, đội ngũ những người trực tiếp thực thi những chính sách ấy phải thực sự có tâm huyết và làm việc vì sự phát triển chung của doanh nghiệp.  

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...