VCCI và Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã – Tổ chức TRAFFIC đã tổ chức Khóa đào tạo giảng viên lần thứ 3 tại Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Hoạt động do Quỹ Peace Parks Foundation tài trợ hướng tới hoàn thiện năng lực và kỹ năng cho đội ngũ giảng viên cao cấp trong việc khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp lồng ghép nội dung về bảo vệ thiên nhiên hoang dã trong chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR).
Từ tháng 6/2015, hơn 10.000 doanh nhân đã tham gia hơn 240 khóa đào tạo lồng ghép nội dung về bảo vệ thiên nhiên hoang dã trong chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tại 45 tỉnh/thành phố trên cả nước. Sau các khóa học, nhiều doanh nhân có tầm ảnh hưởng đã trở thành những đại sứ của Sáng kiến bảo vệ động, thực vật hoang dã. Các doanh nhân không chỉ cam kết không buôn bán và tiêu thụ trái phép các giống loài động, thực vật hoang dã quý hiếm, mà còn chung tay ngăn chặn hành vi đang gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học này.
"Chí là một sáng kiến tiếp thị xã hội nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác và các giống loài hoang dã khác tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ của VCCI, đây là năm thứ ba TRAFFIC tổ chức khóa đào tạo giảng viên với mong muốn tiếp tục lan tỏa thái độ không khoan nhượng đối với hành vi tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã và các thông điệp thay đổi hành vi bảo vệ thiên nhiên hoang dã.
Theo bà Madelon Willemsen - Trưởng Đại diện Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam: “Đội ngũ giảng viên cao cấp của VCCI đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá thông điệp của Sáng kiến Sức tại Chí. Qua khóa đào tạo, giảng viên được cung cấp các thông tin, số liệu cập nhật về các vấn đề bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Đồng thời, giảng viên cũng có cơ hội chia sẻ các bài học kinh nghiệm thu được từ hơn 140 khóa học đã tham gia giảng dạy kể từ Khóa đào tạo giảng viên lần thứ 2. Khóa đào tạo cũng giúp đơn vị tổ chức và đội ngũ giảng viên cùng rà soát, đánh giá tính hiệu quả và hoàn thiện cơ chế và phương thức lồng ghép nội dung về bảo vệ thiên nhiên hoang dã trong chính sách trách nhiệm xã hội doanh nghiệp nhằm hỗ trợ ngăn chặn tội phạm về động, thực vật hoang dã tại Việt Nam.”
Khóa đào tạo cũng tập trung cung cấp kiến thức về xu thế khởi nghiệp, vai trò của CSR như một công cụ quản lý doanh nghiệp hiệu quả và các phương pháp nhằm thay đổi hành vi người tiêu dùng.
Bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI cho biết: VCCI hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng và quản lý doanh nghiệp một cách có trách nhiệm. Một chính sách trách nhiệm xã hội tốt không chỉ đem lại lợi ích cho chính các doanh nghiệp mà còn góp phần xây dựng môi trường kinh doanh vững mạnh trên toàn cầu. VCCI mong muốn các doanh nghiệp có cơ hội và đủ năng lực nâng cao và hoàn thiện vị thế của doanh nghiệp mình thông qua các hoạt động có trách nhiệm đối với các vấn đề về xã hội và môi trường.