Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Tại dự thảo, Bộ Tài chính đã nêu ra một số cơ sở thực tiễn dẫn đến việc xây dựng những quy định mới liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung.
Theo cơ quan soạn thảo, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam những năm gần đây liên tục phát triển, tăng mạnh từ 16,4 tỷ USD vào năm 2022 lên 20,5 tỷ USD vào năm 2023 và ước đạt 25 tỷ USD (tương đương khoảng 630.000 tỷ đồng) trong năm 2024.
Số liệu quản lý thu thuế giai đoạn 2022-2024 cho thấy số lượng các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có xu hướng tăng cao. Năm 2024, ngành thuế thu kỷ lục 116.000 tỷ đồng từ lĩnh vực này, tăng đáng kể so với mức 83.000 - 97.000 tỷ đồng ghi nhận trong hai năm trước đó.
Tuy nhiên, số thu thuế từ hộ, cá nhân kinh doanh rất thấp, nhiều đối tượng kinh doanh chưa thực hiện kê khai thuế, nộp thuế theo quy định pháp luật. Bộ Tài chính cho biết hiện có khoảng 300.000 cá nhân đang bán hàng tại hơn 400 sàn thương mại điện tử, theo dữ liệu được các bên cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Số thuế nhóm này nộp trong năm ngoái khoảng 2.500 tỷ đồng.
Ngoài số trên, theo nhà điều hành, một lượng lớn các gian hàng kinh doanh trên các nền tảng thương mại vẫn chưa định danh được người bán. Thống kê riêng tại 5 sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab) có hơn 300.000 gian hàng chưa định danh được người dùng. Doanh số kinh doanh ước tính của nhóm này khoảng trên 70.000 tỷ đồng.
Gần đây, bên cạnh sự hiện diện của các sàn thương mại điện tử bán lẻ trong nước như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, thị trường đang chứng kiến cuộc đổ bộ của các sàn xuyên biên giới như Temu, Shein... Các sàn này cũng thuộc đối tượng phải kê khai và nộp thuế theo diện nhà cung cấp nước ngoài.
Số thuế thu được từ các hộ kinh doanh trong nước và các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% quy mô doanh thu thị trường thương mại điện tử. Tuy nhiên, tỷ trọng này đang có xu hướng giảm từ 20,1% năm 2022 xuống 17,4% năm 2024. Điều này, theo Bộ Tài chính, cho thấy ngày càng nhiều đối tượng kinh doanh chưa kê khai, nộp thuế theo quy định.
Chẳng hạn, các hộ, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử dịch vụ lưu trú như Booking, Agoda, Airbnb, Tripadvisor. Hay các nền tảng nội dung thông tin số, mạng xã hội như Netflix, Spotify, Google, Youtube, Facebook, Tiktok, Apple Store, CH Play...
Thị trường cũng xuất hiện đối tượng kinh doanh mới là các cá nhân có ảnh hưởng lớn (KOL-Key Opinion Leader) trong xã hội. Họ bán hàng trên các sàn thông qua livestream quảng cáo hàng hóa, dịch vụ. Một số KOL có doanh thu hàng chục, trăm tỷ đồng.
Do đó, tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng quy định tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số phải khấu trừ, nộp thay thuế của hộ, cá nhân bán hàng trên sàn. Việc kê khai, nộp thuế thay gồm cả đối tượng cư trú và không cư trú tại Việt Nam. Cụ thể, Nghị định mới sẽ quy định các nội dung cơ bản gồm phạm vi trách nhiệm khấu trừ, nộp thuế thay của các tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch TMĐT, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán trong và ngoài nước và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác.
Theo Bộ Tài chính, quy định này sẽ giảm khối lượng thủ tục hành chính trong kê khai, nộp thuế của hơn 300.000 cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh.