Ì ạch giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội

Mặc dù cả bên cho vay, đi vay và cơ quan quản lý cùng chung tay thúc đẩy gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng nhưng dường như tiếng nói chung vẫn chưa được tìm thấy...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ì ạch giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội
tien-3935.jpeg

Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

NGÂN HÀNG MỚI CAM KẾT CHO VAY 7.000 TỶ ĐỒNG

Thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hiện nay 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Viecombank, BIDV và VietinBank) tham gia với 30.000 tỷ đồng/ngân hàng. Gần đây, TPBank có tham gia đăng ký một gói 5.000 tỷ đồng.

Như vậy, tổng cộng gói này có quy mô 125.000 tỷ đồng, với lãi suất giảm 1,5 - 2%, tùy đối tượng tham gia. Giảm 1,5% áp dụng cho nhà đầu tư kinh doanh và 2% dành cho người mua nhà. Qua đó, đầu xây dựng đã được giảm 1,5 % và đầu mua nhà được giảm 2%, tổng thể giảm 3,5%.

bmt-9356-9282.jpg
Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Hiện tại, có 68 dự án trên cả nước được công bố đủ điều kiện tham gia chương trình 120.000 tỷ đồng. Một số địa phương đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP.HCM (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)... Trong 68 dự án được 28 tỉnh, thành phố công bố, có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.

Tuy nhiên, trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng.

Trong đó, có 10 dự án đã có nhu cầu giải ngân, bao gồm 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng, đã được giải ngân 640 tỷ đồng; và cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 03 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.

Cụ thể, BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền là 95,7 tỷ đồng.

Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 1 dự án với số tiền là 0,4 tỷ đồng.

Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền là 415,7 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền là 5,7 tỷ đồng.

NGÂN HÀNG THAN KHÓ, DOANH NGHIỆP KÊU LÃI SUẤT CAO

Cũng tại hội nghị, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết đã cố gắng triển khai gói tín dụng nhưng khó tìm được doanh nghiệp, chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn. Hoặc nếu doanh nghiệp có nhu cầu thì lại không đáp ứng được năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…

bmt-9394-4112.jpg
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng rất muốn cho doanh nghiệp vay, luôn tìm kiếm và tiếp cận khách hàng để có thể giải ngân. Với riêng gói 120.000 tỷ đồng, ngay khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chỉ đạo, BIDV đã triển khai đến toàn chi nhánh nhưng còn nhiều thủ tục vấn đề cần giải quyết nên đến nay mới tiếp cận 8 dự án, phê duyệt 4 dự án và giải ngân hơn 96 tỷ đồng.

Tương tự, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng đã ký kết hợp đồng tín dụng với 8 dự án nhà ở xã hội, cam kết cho vay 2.500 tỷ đồng và đã giải ngân 400 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đang tiếp cận 5 dự án mới, với tổng số tiền khách hàng vay khoảng 2.000 tỷ đồng. Theo đại diện của Agribank, một trong các nguyên nhân khiến gói 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm là nhiều dự án gặp vướng mắc về pháp lý, đối tượng mua nhà ở xã hội quá hẹp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tận dụng vốn tự có và không vay.

Với ý kiến đề nghị không cần thẩm định hồ sơ để rút ngắn thời gian triển khai vốn, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho hay: "Đây là yêu cầu bắt buộc, quy định pháp luật phải thực hiện chứ không có chuyện là bỏ qua".

“Gần như 100% các dự án khách hàng đưa đến cũng thấy hiệu quả nhưng ngân hàng phải khẳng định lại xem có thực sự hiệu quả không, tính đến các yếu tố bất thường hay những biến động có thể xảy ra trong tương lai hay không để xem xét cho vay”, ông Hưng nói. Đồng thời khẳng định, ngân hàng sẽ xem xét rút ngắn thời gian thẩm định, xử lý nhanh nhất có thể.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty cổ phần Đức Mạnh tại Đà Nẵng chỉ rõ thực trạng có cung thì mới có cầu, các thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc.

Ngoài ra, vị này cũng nhấn mạnh về lãi suất. Cụ thể, lãi suất cho vay của gói 120.000 tỷ đồng còn cao. Bởi, hiện mức lãi suất cho vay bình thường từ 8-9%, nhưng lãi suất của gói vay 120.000 tỷ đồng từ 7 -8,2%. Mức lãi suất này chênh lệch không lớn với mức lãi suất thông thường, do đó doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn.

Sau khi nghe các ý kiến tham luận, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, sẽ phối hợp Bộ Xây dựng trong việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở; theo dõi tình hình triển khai Chương trình để đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tế triển khai.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hài hòa, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, hạ lãi suất, tạo cơ sở để hạ lãi suất cho vay theo Chương trình theo đúng tinh thần tại Nghị quyết 33/NQ-CP; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình, mở rộng công tác truyền thông, giới thiệu, tư vấn các nội dung Chương trình tới khách hàng đủ điều kiện để khách hàng có đủ thông tin và chủ động tiếp cận, vay vốn khi có nhu cầu.

Hiện nay, người mua nhà tại một số dự án đã vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP cho thấy các đối tượng này sẽ có xu hướng lựa chọn vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất cho vay ưu đãi hơn (chương trình có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).

Bên cạnh đó, khách hàng mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn như: bị cắt giảm nhân sự, giảm lương do không có đơn hàng… dẫn đến nguồn thu nhập của khách hàng sụt giảm. Do đó, khách hàng hiện nay ưu tiên cho việc duy trì nhu cầu cuộc sống, chưa xem xét việc mua nhà trong thời điểm này.

Có thể bạn quan tâm