KBNN muốn huy động 100.000 tỷ đồng TPCP trong Quý II/2021, chiếm gần 1/3 kế hoạch cả năm

Kho bạc Nhà nước vừa thông báo kế hoạch đấu thầu trái phiếu chính phủ trong quý II/2021. Khối lượng dự kiến huy động này gấp gần 3 lần so với trái phiếu Chính phủ đã huy động thành công trong quý 1.
KBNN muốn huy động 100.000 tỷ đồng TPCP trong Quý II/2021, chiếm gần 1/3 kế hoạch cả năm

Thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách trung ương năm 2021, Kho bạc Nhà nước thông báo kế hoạch đấu thầu trái phiếu Chính phủ qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội quý II năm 2021. Theo đó, tổng mức phát hành là 100.000 tỷ đồng, bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Như vậy, khối lượng dự kiến huy động này gấp gần 3 lần so với trái phiếu Chính phủ đã huy động thành công trong quý 1. 

Khối lượng dự kiến sẽ là: Kỳ hạn 5 năm là 10.000 tỷ đồng; kỳ hạn 7 năm là 4.000 tỷ đồng; kỳ hạn 10 năm là 35.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm là 35.000 tỷ đồng; kỳ hạn 20 năm là 8.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm là 8.000 tỷ đồng.

Kho bạc Nhà nước cũng cho biết, trong quá trình thực hiện có thể điều chỉnh khối lượng phát hành các kỳ hạn trái phiếu cho phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách nhà nước.

Trước đó, trong quý 1/2021, tổng khối lượng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ theo hình thức đấu thầu (40 đợt) tại Sở Giao dịch chứng khoán là 39.205 tỷ đồng (bao gồm 13.498 tỷ đồng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội), đạt 11,2% kế hoạch Bộ Tài chính giao.

Kỳ hạn trái phiếu chính phủ phát hành bình quân năm 2021 là 13,22 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,22%/năm; kỳ hạn còn lại của danh mục trái phiếu chính phủ là 8,54 năm. Lãi suất trúng thầu loại kỳ hạn 5 năm dao động từ 1,06% - 1,1%.

Đáng chú ý, riêng trong tháng 3, trên thị trường sơ cấp, thông qua 21 đợt đấu thầu trái phiếu được tổ chức tại HNX trong tháng 3/2021, Kho bạc nhà nước đã huy động được tổng cộng 12.194 tỷ đồng trái phiếu, tăng 246% so với tháng trước. So với tháng 2/2021, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước tăng tại các kỳ hạn 5, 10, 15 và 30 năm với mức tăng từ 0,04-0,13%/năm.

Trên thị trường giao dịch thứ cấp, giá trị giao dịch trái phiếu Chính phủ bình quân trong tháng 3 đạt 10.413 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại có giá trị mua đạt hơn 5,4 nghìn tỷ đồng, giá trị bán đạt hơn 3,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy tháng 3, nhà đầu tư ngoại mua ròng 1,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ Việt Nam.

Về thị trường trái phiếu Chính phủ tại HNX, tính đến hết quý 1/2021, tổng dư nợ đạt 1,34 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 0,7% so với cuối năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân phiên quý 1 đạt 12,3 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 20,2% so với năm 2020, trong đó, giao dịch repos chiếm 33,57% tổng giá trị giao dịch. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong quý 1 chiếm 2,04% tổng giá trị giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tổng cộng 5,9 nghìn tỷ đồng trong quý 1.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...