Kho bạc được mua trái phiếu Chính phủ: Thực chất là "túi trái bỏ sang túi phải"?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn việc Kho bạc Nhà nước dùng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ. Dự thảo này đang nhận được không ít ý kiến trái chiều từ các bên liên quan.
Kho bạc được mua trái phiếu Chính phủ: Thực chất là "túi trái bỏ sang túi phải"?

Theo đó, Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ mua lại trái phiếu chính phủ (TPCP) từ ngân hàng thương mại, đồng thời cam kết bán lại cho nhà băng đó sau một thời gian và mức giá xác định.

Đây là lần đầu tiên Bộ Tài chính có Thông tư cụ thể hướng dẫn việc KBNN dùng nguồn ngân quỹ nhàn rỗi để mua bán lại TPCP với các ngân hàng.

Từ trước đến nay, để quản lý nguồn ngân quỹ tạm nhàn rỗi, KBNN thường gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng hoặc tạm ứng cho ngân sách nhà nước. Như năm ngoái, có thời điểm Kho bạc Nhà nước gửi hơn 250.000 tỷ tiền nhàn rỗi vào hệ thống các ngân hàng thương mại. Việc dùng tiền ngân quỹ nhàn rỗi mua lại có kỳ hạn TPCP là nghiệp vụ mới và khá phức tạp nên trước giờ Kho bạc chưa triển khai.

Theo dự thảo, Kho bạc chỉ mua lại các TPCP đang được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán, có kỳ hạn còn lại không quá một năm. TPCP phải thuộc sở hữu hợp pháp của ngân hàng và được phép chuyển nhượng.

Bên cạnh đó, Kho bạc nhà nước cam kết mua lại có kỳ hạn TPCP từ ngân hàng với thời gian nắm giữ trái phiếu có thể là 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 1 tháng, 2 tháng hoặc 3 tháng.

Việc mua lại được thực hiện theo hình thức thỏa thuận điện tử, đảm bảo chọn ngân hàng đối tác dựa trên nguyên tắc đấu thầu, xét chọn lãi suất từ cao xuống thấp. Giao dịch mua lại được thực hiện trên hệ thống giao dịch công cụ nợ tại Sở giao dịch chứng khoán.

Ngân hàng muốn tham gia đấu thầu bán trái phiếu chính phủ phải là thành viên giao dịch trên thị trường giao dịch công cụ nợ tại Sở giao dịch chứng khoán, nằm trong danh sách nhà băng có mức độ an toàn cao do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cung cấp. Bên cạnh đó, ngân hàng không vi phạm nghĩa vụ thanh toán khi mua lại có kỳ hạn TPCP với KBNN trong ba năm liền kề.

Sau khi Bộ Tài chính thực hiện lấy ý kiến về dự thảo đại diện của nhiều tổ chức tín dụng đã lên tiến cho rằng, việc này thực chất là tiền từ túi này bỏ sang túi kia bởi KBNN là nơi phát hành TPCP, nay lại mang tiền ra mua chính giấy tờ có giá mà mình phát hành.

Tuy nhiên, động thái "bỏ túi" này có tác dụng để tiền nhàn rỗi của KBNN được hưởng lợi (lợi tức trái phiếu dù sao cũng cao hơn lãi suất gửi tiền không kỳ hạn).

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, nghiệp vụ này trước đây đã được NHNN thực hiện nhằm hỗ trợ, điều tiết thanh khoản thị trường, điều này đông nghĩa với việc KBNN cũng tham gia điều tiết thị trường cùng NHNN.

Trên thực tế, hành động mua lại trái phiếu của KBNN có khả năng làm tăng/giảm nhu cầu TPCP trên thị trường từng thời điểm và tác động đến lợi tức trái phiếu, nó thể hiện vai trò của KBNN là người cầm trịch và điều tiết thị trường trái phiếu. Thế nhưng, nếu dự thảo này được thông qua, Kho bạc có lợi nhưng NHNN sẽ phải cân nhắc kỹ hơn trong mỗi bước điều hành chính sách tiền tệ, nhất là đảm bảo thanh khoản cho thị trường.

Dưới góc nhìn chuyên gia, Ts Cấn Văn Lực cho rằng, quy định mới giúp KBNN có thêm phương án để quản lý nguồn tiền nhàn rỗi một cách linh hoạt và năng động hơn. Bên cạnh đó, các ngân hàng có nhu cầu tiền mặt ngắn hạn cũng có thể bán trái phiếu cho Kho bạc, bên cạnh việc vay mượn trên hệ thống liên ngân hàng hoặc vay vốn từ dân cư.

Bộ Tài chính đánh giá, thông tư mới sẽ giúp đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động mua lại có kỳ hạnTPCP, giúp quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả. Quy định mới cũng giúp tăng tính thanh khoản cho TPCP so với trước đây.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...