Những định hướng đúng và trúng
Sớm nhìn nhận người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc, từ 26/3/2004, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 36-NQ/T.Ư về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết nêu rõ: Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức và lòng yêu nước, niềm tự hào và mục tiêu chung là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 45 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36 về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Bộ Chính trị cho rằng, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng cả về số lượng và địa bàn cư trú. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài phải được tăng cường, để cộng đồng người Việt Nam phát triển vững mạnh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: Kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ; đổi mới phương thức hoạt động và cơ chế phối hợp triển khai công tác về người Việt Nam ở nước ngoài từ T.Ư đến địa phương... Kiện toàn bộ máy Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng chuyên sâu; làm tốt vai trò cơ quan tham mưu, thống nhất quản lý công tác này.
Kỳ vọng kết nối từ HALOVI
Đối với Thủ đô Hà Nội, từ rất sớm, Thành ủy Hà Nội đã có những chủ trương, chính sách mở cửa, nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài thông qua Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 20/3/2007 về tăng cường công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài TP Hà Nội. Đến năm 2008, UBND TP đã có quyết định thành lập Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP Hà Nội.
Theo ông Vương Thành - Phó Chủ tịch HALOVI kiêm Chi hội trưởng Chi hội Lào – Thái, cái khó mà HALOVI gặp phải những năm đầu mới hoạt động là hội viên ở khắp mọi nơi, lên tới hàng chục nghìn kiều bào nên việc tập hợp, gắn kết họ lại với nhau không dễ dàng. Thế nhưng, cái khó không bó được cái khôn, với việc thành lập 8 chi hội khác nhau, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai một cách hiệu quả, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư về Việt Nam như: VinGroup, Bệnh viện Hồng Ngọc, Resort Đại Lải, Tổng Công ty Hà Thái…
Qua hoạt động thực tiễn, HALOVI đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước với hội viên và thân nhân hội viên, đặc biệt là những thành quả của đất nước sau 30 năm đổi mới. Cũng nhờ những hoạt động này, không ít người thân mất liên lạc 30, 40 năm tìm được nhau, nhiều hoàn cảnh khó khăn trong nước được sự sẻ chia của cộng đồng kiều bào…
Đây không chỉ là "sợi dây liên kết" bà con kiều bào từ khắp mọi nơi trên thế giới mà đã trở thành chất xúc tác tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng Việt kiều với người dân cả nước.
Từ hiệu quả, sức lan tỏa trong các chương trình, hoạt động, năm 2016, HALOVI vinh dự được Hội đồng bầu cử T.Ư và T.Ư MTTQ Việt Nam phân bổ một đại diện tham gia hiệp thương để Nhân dân bầu vào Quốc hội Khóa XIV. Và TS Nguyễn Quốc Bình - Phó Chủ tịch Thường trực đã được Hội nhất trí giới thiệu.
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Nguyễn Lân Dũng thông tin: TS Nguyễn Quốc Bình đang là ĐB Quốc hội Khóa XIII và ĐB HĐND TP Hà Nội, đồng thời là một doanh nhân trong lĩnh vực khoa học – công nghệ (TS Nguyễn Quốc Bình hiện là Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel).
“Sự trẻ trung, nhanh nhạy, tư duy đổi mới của ứng cử viên mà Hội đề cử được kỳ vọng sẽ mang lại những chất xúc tác tích cực đối với hơn 4,5 triệu kiều bào; kết nối được nhiều nguồn lực để đóng góp xây dựng Thủ đô và đất nước” - GS.TS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.