Khi cổ phần hoá hãng phim không vì phát triển nền điện ảnh

Khi quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đẩy mạnh, một công ty “sản xuất nghệ thuật” như Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) cũng không nằm ngoài cuộc.
Khi cổ phần hoá hãng phim không vì phát triển nền điện ảnh

Đã có rất nhiều nuối tiếc, hoài niệm từ các văn nghệ sĩ từng phục vụ cho VFS, và cả thế hệ các khán giả truyền hình trung thành với phim Việt, khi quyết định cổ phần hoá được đưa ra. Nhưng tất cả đều hiểu, nhằm hướng tới một nền kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, việc dần gỡ bỏ “bầu sữa” ngân sách khỏi doanh nghiệp nhà nước là điều cần làm. Ngay chính cán bộ, công nhân viên chức của hãng đều mong muốn VFS được cổ phần hoá, để hãng có được động lực phát triển mới sau thời gian bết bát.

Nhưng những lùm xùm quanh câu chuyện của VFS từ năm ngoái cho đến nay không liên quan đến chủ trương cổ phần hoá, mà là cách thức thực hiện. VFS là một trường hợp đặc biệt cần lưu tâm, bởi ở đó chúng ta nhìn thấy nhiều mặt trái có thể khắc phục của quá trình cổ phần hoá.

Cổ phần hoá thường nhằm đến ba mục tiêu chính: thứ nhất, thoái vốn nhà nước ở những doanh nghiệp không thiết yếu trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu để phục vụ các mục tiêu được ưu tiên. Thứ hai, cổ phần hoá DNNN có thể mang lại một phần thu nhất định cho nhà nước trong bối cảnh ngân sách đang hết sức khó khăn. Và thứ ba, quan trọng không kém, đó là “phá rào” thể chế, mang đến cho chính các DNNN cơ hội tham gia đầy đủ vào nền kinh tế thị trường để phát triển.

Để đảm bảo được ba mục tiêu đó, điều kiện hàng đầu của cổ phần hoá là minh bạch, từ quá trình kêu gọi nhà đầu tư, định giá, và chào bán cổ phần. Đáng tiếc, đó là thứ chúng ta không được nhìn thấy từ câu chuyện VFS. Hãng phim này được bán cho Tổng Công ty Vận tải thuỷ (Vivaso), theo một quy trình vội vã, không công khai đầy đủ, và với mức giá rẻ một cách đáng ngờ. Điều này có thể gây thiệt hại trước hết cho ngân sách, khi tài sản nhà nước được bán thấp hơn giá trị thực.

Với các doanh nghiệp được cổ phần hoá, việc chọn đối tác phù hợp là vấn đề sống còn, bởi điều này sẽ quyết định hướng phát triển của hãng. Với những gì đang diễn ra sau hai tháng chuyển giao, cán bộ - viên chức tâm huyết với VFS có lý do để thất vọng. Ông chủ mới dường như quan tâm nhiều hơn đến “đất vàng” mà VFS đang nắm giữ, thay vì đi làm phim. Đời sống của người lao động thậm chí còn tệ đi, trong khi các di sản của VFS bị bỏ xó như những đống rác vô giá trị. Một đạo diễn của VFS chua xót nói rằng, Vivaso coi làm phim chỉ như xúc một tấn cát.

Trớ trêu hơn, Vivaso cũng là một công ty nhà nước đang trong quá trình cổ phần hoá với rất nhiều tai tiếng. Vào tháng 6 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã lập đoàn thanh tra để làm rõ những tố cáo liên quan đến doanh nghiệp này.  Với tình hình như vậy, VFS khó tránh khỏi số phận long đong.

Thêm vào đó, cần hiểu rằng cổ phần hoá không phải là quá trình được áp dụng một cách cào bằng, theo kiểu “one size fits all” (phù hợp mọi kích cỡ). Các doanh nghiệp nhà nước đều có những đặc thù riêng, buộc nhà quản lý phải cân nhắc kỹ lưỡng mọi yếu tố trước khi “chào bán”. Đó là lý do vì sao dù có những chỉ đạo rất quyết liệt, quá trình cổ phần hoá ở nước ta vẫn không thể diễn ra nhanh như mong đợi.

Ngay cả ở những “con gà đẻ trứng vàng” như Mobifone, Habeco, Sabeco,…hồ sơ cổ phần hoá nâng lên đặt xuống gần chục năm trời nhưng vẫn chưa thực hiện được. Sự thận trọng đó là dễ hiểu và cần thiết, để đảm bảo quyền lợi cho nhà nước, doanh nghiệp có kế hoạch cổ phần, cán bộ - viên chức, và cho cả người dân, bởi nói đến cùng, DNNN chính là doanh nghiệp của toàn dân. 

Hơn nữa, nghệ thuật, giống với truyền thông – báo chí, là những sản phẩm đặc thù. Dẫu hoạt động theo nguyên tắc thị trường, nó mang lại nhiều giá trị của một “hàng hoá công” – gây tác động lớn đến công chúng và được nhiều người yêu mến. Điều đó không có nghĩa là các hãng nghệ thuật phải được nhà nước ưu tiên, nhưng đặt ra yêu cầu thận trọng hơn khi thiết kế quá trình cổ phần hoá.

Thận trọng” và “giá như” là hay từ khoá liên quan đến câu chuyện VFS.

Giá như chuyện chào bán VFS được công bố công khai hơn, rộng rãi hơn, và cho phép nhà đầu tư nhiều thời gian hơn để cân nhắc, thì có lẽ không chỉ có một công ty vận tải đường sông bỏ thầu.

Giá như hiệp hội điện ảnh - tổ chức đại diện quyền lợi cho nghệ sĩ - năng động hơn, biết cách vận động công chúng tốt hơn, biết đâu VFS đã có thể trở thành một công ty cổ phần, với vốn góp chính từ những người làm việc ở đây hoặc khán giả trân trọng lịch sử của hãng.

Giá như nhà nước có thể tìm được một phương án hài hoà, vừa đảm bảo ngân sách không phải chi tiền cho VFS, vừa cho phép doanh nghiệp này hoạt động với mục đích phục vụ công chúng nói chung. Có lẽ không nhiều người biết rằng ngay cả BBC, hãng truyền thông số một châu Âu, là một tập đoàn có nguồn thu chủ yếu đến từ các quy định của nhà nước (lệ phí từ hộ gia đình trả cho BBC như là một loại thuế, hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách,…). VFS tất nhiên hoàn toàn khác so với BBC, nhưng nếu biết cân nhắc, không phải là không có những giải pháp vẹn cả đôi đường.

Phim truyện, cũng như nghệ thuật, mang hơi thở của đời sống. VFS không thể chỉ tồn tại với hoài niệm và giá trị của lịch sử. Hãng cũng phải tự làm mới mình, đáp ứng được thị hiếu của những lớp độc giả mới, và biết cân nhắc bài toán kinh doanh của chi phí – lợi nhuận để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Nếu không làm được điều đó, việc VFS bị loại ra khỏi cuộc chơi là công bằng cho những hãng phim tư nhân khác. Đó là câu chuyện đã diễn ra với nhiều hãng phim nhà nước ở Liên Xô hay Tiệp Khắc cũ vào đầu những năm 1990 của thế kỷ trước.   

Thế nhưng cổ phần hoá không phải là liều thuốc vạn năng. Khi chưa có minh bạch, chiến lược phát triển rõ ràng, cùng với sự nghiêm minh của những người ra quyết định, cổ phần hoá có thể trở thành liều nhân sâm cho người đau bụng. VFS là bài học đau xót cho lời cảnh báo đó.

  • Theo Vietnamnet.vn

Có thể bạn quan tâm