Không thể xử lý dứt điểm 12 đại dự án thua lỗ trong năm 2020

Theo kế hoạch của Chính phủ, đến cuối năm 2020 sẽ xử lý dứt điểm 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công thương nhưng đến ngày 24/6, chỉ có dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP- 1 Hải Phòng đủ điều kiện xem xét đưa ra khỏi danh sách “đen”.
Không thể xử lý dứt điểm 12 đại dự án thua lỗ trong năm 2020

Tình trạng chậm trễ này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, doanh nghiệp tích cực hơn nữa để xử lý, không kéo dài công tác xử lý quá nửa đầu năm 2021 nhưng thực tế là một việc rất khó.

Bởi lẽ các dự án còn quá nhiều vấn đề còn tồn đọng, trong khi Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn để giải quyết.

Trong số 12 đại dự án này, năm 2018 - 2019 có hai dự án là DAP-1 Hải Phòng và Thép Việt Trung, doanh nghiệp có lãi nhưng vẫn còn phát sinh lỗ lũy kế. Tuy nhiên, đến hết quý I/2020, hai dự án này có kết quả kinh doanh lỗ.

Bốn dự án từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ, gồm Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai và Công nghiệp tàu thủy Dung Quất DQS. Một dự án, doanh nghiệp dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại là Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ PVTex.

Hai dự án đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng chưa khởi động do điều kiện thị trường khó khăn (Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước).

Với dự án Nhà máy Xơ sợi  Đình Vũ (Hải Phòng), vụ việc tranh chấp Hợp đồng EPC đối với Tổng thầu Trung Quốc đã được xử lý. Còn ở dự án Liên doanh nhà máy thép Việt Trung, đã rà soát pháp lý, đàm phán thành công việc sửa đổi bổ sung các căn cứ pháp lý (hợp đồng liên doanh, điều lệ liên doanh) bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các bên góp vốn.

Chính phủ khẳng định, các dự án đều đã được tiến hành thanh tra các cấp (12/12 dự án), kiểm toán (7/12 dự án), điều tra và khởi tố (4/12 dự án), để làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan.

Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu hướng dẫn triển khai các nội dung xử lý đối với 12 dự án theo hướng không sử dụng ngân sách Nhà nước để bù lỗ cho doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tế, cố gắng cao nhất để có thể xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho Nhà nước.

Có thể kể đến như hướng dẫn giãn, giảm mức trích khấu hao tài sản (một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp). Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn giãn, giảm mức trích khấu hao tài sản cố định đối với các doanh nghiệp thuộc Vinachem.

Đối với dự án thua lỗ mà Tập đoàn dầu khí (PVN) phải quản lý như các dự án Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Thủ tướng đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN yêu cầu đơn vị thành viên khẩn trương thực hiện quyết toán tổng mức đầu tư, cập nhật đánh giá lại hiệu quả dự án sau khi điều chỉnh lại thời gian khấu hao và chủ động làm việc với bên cho vay để đạt được thỏa thuận các bên cho vay đồng ý tái cấu trúc khoản vay (gia hạn, khoanh nợ…) làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét kiến nghị của PVN về giãn, khoanh khấu hao tài sản cố định.

Bộ Tài chính cũng đã hướng dẫn xử lý vướng mắc giữa PVN và Vinashin (SBIC) trong bàn giao nguyên trạng con tàu 104.000 tấn từ Vinashin sang PVN (nằm trong danh mục 12 Dự án yếu kém, thua lỗ ngành Công Thương). Đến nay Ủy ban và Bộ GTVT đang phối hợp chỉ đạo PVN và SBIC thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...