12 dự án thua lỗ vẫn nợ các tổ chức tín dụng 20.500 tỷ đồng

Tính đến thời điểm 31/10/2018, có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng thực hiện 12 dự án của ngành Công thương với tổng số dư khoảng 20.499 tỷ đồng.
12 dự án thua lỗ vẫn nợ các tổ chức tín dụng 20.500 tỷ đồng

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

12 dự án thuộc diện này thường được nhắc đến tại nghị trường với "biệt danh" là các đại dự án "đắp chiếu", thua lỗ ngàn tỷ.

Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, kể từ sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 (tháng 10/2018) tới nay, tình hình ở các dự án, doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn. Trong thời gian từ tháng 10/2018 đến hết tháng 3/2019 dự án Nhà máy xơ sợi polyeste Đình Vũ tiếp tục vận hành mở rộng được từ 3 dây chuyền DTY lên 10 dây chuyền.

Ngoài ra, dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi cũng đã vận hành trở lại, đồng thời có thêm 1 dự án đã hoàn thành được các vấn đề về kỹ thuật để sẵn sàng khởi động trở lại khi điều kiện thị trường thuận lợi là dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.

Bên cạnh đó, một số vấn đề tranh chấp pháp lý khó giải quyết trong thời gian dài ở các dự án đã tiếp tục được xử lý đạt kết quả (điển hình là ở dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đã xử lý xong vấn đề tranh chấp thực hiện Hợp đồng EPC với liên danh nhà thầu EPC). 

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã hoàn thành công tác định giá lại dự án và đã trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức triển khai bán đấu giá dự án theo quy định. Dư nợ tín dụng và tình hình tài chính ở các dự án, doanh nghiệp cũng tiếp tục xu hướng tích cực hơn.

Theo đó, thống kê đến thời điểm 31/10/2018, đã có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng thực hiện 12 dự án với tổng số dư khoảng 20.499 tỷ đồng, giảm 348 tỷ đồng so với thời điểm 31/01/2018.

Trong số này có 17.267 tỷ đồng cấp tín dụng trung hạn (chiếm 84%), giảm 68 tỷ đồng so với thời điểm 31/1/2018, còn lại 3.232 tỷ đồng cấp ngắn hạn (chiếm 16%), giảm 280 tỷ đồng so với thời điểm 31/1/2018.

Đối với các khoản nợ tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB), trong 12 dự án tồn tại, yếu kém, VDB cho vay 7 dự án thuộc 6 chủ đầu tư. Tính đến thời điểm 31/12/2018, tổng thu hồi nợ gốc đạt 213 tỷ đồng và 298.380 USD, thu nợ lãi 35 tỷ đồng và 136.201 USD.

Trong đó, tổng số vốn vay theo Hợp đồng tín dụng đã ký 16,525 tỷ đồng; Tổng số vốn đã giải ngân 14.665 tỷ đồng và 2.598.778 USD; Lũy kế số nợ gốc đã thu 4.670 tỷ đồng và 1.206.316 USD;

Lũy kế nợ lãi đã thu 4.827,5 tỷ đồng và 1.722.560 USD, Dư nợ gốc còn 9.995 tỷ đồng và 1.392.462 USD; Tổng số lãi phát sinh 3.020,6 tỷ đồng.

Về tình hình cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, đa số các dự án, doanh nghiệp đều đã được các ngân hàng và tổ chức tín dụng tái cơ cấu thời gian trả nợ, điều chỉnh số tiền trả nợ mỗi kỳ và điều chỉnh lãi suất cấp tín dụng đối với các khoản vay cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Đối với các khoản vay tại các ngân hàng thương mại của các dự án, doanh nghiệp chủ yếu thuộc nợ nhóm 1 và nhóm 5.

Đến 31/10/2018, các tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp là 5.619 tỷ đồng, trên tổng số nợ xấu là 8.896 tỷ đồng.

>> 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của ngành Công Thương giờ ra sao?

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...