Không xây được bãi đỗ xe ngầm, TP.HCM muốn làm nhà đỗ xe cao tầng

Hệ thống bến bãi đỗ xe trên địa bàn TP.HCM chỉ mới đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900 ha so với chỉ tiêu gần 1.200 ha....
Không xây được bãi đỗ xe ngầm, TP.HCM muốn làm nhà đỗ xe cao tầng

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép sử dụng công nghệ xếp xe bán tự động trên địa bàn.

Theo UBND TP.HCM, thống kê vận tốc lưu thông trung bình trên các tuyến đường tại khu vực trung tâm TPHCM vào giờ cao điểm chỉ từ 31,6 km/h đến 37 km/h. Vận tốc vẫn đang có xu hướng giảm, dẫn đến nhiều tuyến đường quá tải.

Bên cạnh đó, số lượng ôtô tại thành phố gia tăng. Đặc biệt, khu vực trung tâm thu hút rất lớn lượng xe của người dân, của các công ty từ địa phương khác đến làm ăn, liên hệ công tác, du lịch...

Trong khi đó, hệ thống bến bãi đỗ xe trên địa bàn TP.HCM chỉ mới đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900 ha so với chỉ tiêu gần 1.200 ha.

Theo quy hoạch, TP.HCM có 4 bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng trong khu vực 930 ha. Tuy nhiên đến nay, thành phố chưa có công trình nào được triển khai do còn nhiều vướng mắc.

Do đó, UBND TP.HCM muốn có các nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép, xây dựng tạm thời để giải quyết nhu cầu đỗ xe của nhân dân, doanh nghiệp tại khu vực trung tâm thành phố, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.

Nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép có ưu điểm lắp đặt/tháo dỡ tương đối ngắn (khoảng 3 tháng), diện tích chiếm dụng nhỏ (49m2 cho 16-21 xe ô tô đến 9 chỗ), kinh phí đầu tư ban đầu có thể chấp nhận được và có thể tháo dỡ, di dời đi lắp tại vị trí khác.

Đặc biệt, công trình có thể bố trí tại các vị trí trên đất của đường bộ, đất công viên hoặc đất quy hoạch xây dựng công trình công cộng (nhưng chưa thực hiện dự án, chưa khai thác hết công năng).

Tuy nhiên, việc xây dựng công trình này chưa có tiền lệ và cần xem xét đảm bảo phù hợp quy định. Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn về một số nội dung liên quan trình tự, thủ tục lập, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, cơ sở thẩm định phê duyệt, thủ tục cấp giấy phép xây dựng… của công tác xây dựng công trình tạm này.

Phương án xây bãi đậu xe cao tầng lắp ghép ở trung tâm TP,HCM từng được các nhà đầu tư đề xuất năm 2017, sau khi một số bãi đậu tương tự do các doanh nghiệp thực hiện mang lại hiệu quả như công trình ở số 71 Chế Lan Viên, quận Tân Phú (sức chứa 2.800 ôtô, xe máy); đường Cô Giang, quận 1 (2.000 chỗ cho ôtô và xe máy); bãi đậu ở sân bay Tân Sơn Nhất (10.000 ôtô, xe máy, xe đạp).

Tuy nhiên, thời điểm đó, kế hoạch làm thêm các bãi đậu cao tầng ở trung tâm không được lãnh đạo TP.HCM chấp thuận vì lo ngại ùn tắc gia tăng, làm giảm không gian công cộng của người dân. Trước sự khan hiếm nơi đậu xe ở nội đô, năm 2018 thành phố chấp thuận cho ôtô đậu và triển khai thu phí ở hơn 20 tuyến đường các quận 1, 5, 10. Song, cách này chưa đủ đáp ứng nhu cầu đậu xe ở trung tâm, chưa kể quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề.

Hà Nội: Nhiều dự án đỗ xe không hiệu quả

Năm 2015, Hà Nội đã đưa ra chủ trương đầu tư xây dựng thí điểm giàn thép đỗ xe cao tầng nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ, gửi xe tại khu vực trung tâm thành phố. Bến đỗ xe Ngọc Khánh tại quận Ba Đình, đối diện Khách sạn Hanoi - Daewoo, vị trí tại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh là những địa điểm được chọn thí điểm

Được triển khai rất rầm rộ, thế nhưng sau thời gian ban đầu, các bãi đỗ xe thông minh này vẫn “dậm chân tại chỗ”. Các phương tiện vẫn đậu đầy lòng đường, vỉa hè, thậm chí là ngay cạnh khu vực bãi đỗ xe. 

Có thể bạn quan tâm