Kiểm toán Nhà nước “bêu tên” một số tổ chức tín dụng đầu tư không hiệu quả

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 10 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Kiểm toán Nhà nước “bêu tên” một số tổ chức tín dụng đầu tư không hiệu quả

Khái quát kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018 của NHNN và 10 tổ chức tài chính, ngân hàng, Tổng Kiểm toán nêu rõ:

NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát cơ bản bình quân cả năm 1,48%, lạm phát bình quân ở mức 3,54%, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, tỷ giá và thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng 12%.

Hầu hết các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kiểm toán đều đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động (trừ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam), kinh doanh có lãi  hoặc chênh lệch thu chi dương (trừ Ngân hàng Phát triển Việt Nam- VDB).

Song, lãi suất cho vay bình quân năm 2018 tăng so với năm 2017, không đạt mục tiêu giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ. Một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của NHNN, như Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam, với 568 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Bảo Việt, với 443 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Á, với 427 tỷ đồng; Công ty Tài chính Kexim Việt Nam, với 354 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín, với 124 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP An Bình, với 30 tỷ đồng.

Một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Đơn cử, Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) có lãi từ hoạt động đầu tư ngắn hạn và dài hạn chỉ đạt 0,1%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại. Đến 31/12/2018 Tổng công ty phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư 163 tỷ đồng; góp 88 tỷ đồng thành lập Công ty CP Bất động sản Bưu điện từ năm 2008 chỉ nhận được 1 tỷ đồng cổ tức, đến 31/12/2018 lỗ lũy kế 0,5 tỷ đồng.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, PTI ủy thác đầu tư 34 tỷ đồng thời hạn 2 năm cho Công ty CP Bất động sản Bưu điện để đầu tư Dự án biệt thự nghỉ dưỡng Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), dự án chậm tiến độ, hết thời hạn ủy thác chưa thu hồi được vốn đầu tư phải gia hạn hợp đồng ủy thác; rồi khoản ủy thác cho vay 45 tỷ đồng để Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Thăng Long cho vay Công ty CP Vận tải biển VISHIP đã quá hạn từ năm 2011, thu hồi từ việc bán đấu giá tài sản được 6,6 tỷ đồng, số còn lại phải trích lập dự phòng 100%.

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đến 31/12/2018 trích lập dự phòng 239/711 tỷ đồng vốn đầu tư, năm 2018 không được nhận cổ tức từ 25 đơn vị DATC đầu tư dưới hình thức chuyển nợ thành vốn góp (580 tỷ đồng) do các đơn vị hoạt động cầm chừng, sản xuất kinh doanh thua lỗ.

Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt phải trích lập dự phòng 100% khoản đầu tư 72 tỷ đồng tiền gửi tại CTCP Cho thuê tài chính II Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, 95% khoản đầu tư 190 tỷ đồng trái phiếu Vinashin; đã thanh lý hợp đồng ủy thác BIDV cho Công ty TNHH đèn hình Orion Hannel vay vốn năm 2004 nhưng chưa thu được 25,4 tỷ đồng tiền lãi.

Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) có khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có khả năng mất vốn 1.070 tỷ đồng, với số lãi chưa thu được 532 tỷ đồng, theo Kiểm toán Nhà nước nêu.

VDB góp 3.690 tỷ đồng vào Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam để đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dự án chưa cân đối được dòng tiền, VDB không thu được lợi nhuận kể từ khi góp vốn năm 2007. Nợ xấu tại 31/12/2018 của VDB chiếm 17,2% tổng dư nợ.

Một số ngân hàng hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác như Vietinbank hạch toán thừa lãi dự thu 307 tỷ đồng, BIDV 234,8 tỷ đồng…

Hầu hết các tổ chức tín dụng được kiểm toán còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, như thẩm định thiếu chặt chẽ; định kỳ chưa đánh giá lại tài sản bảo đảm; giải ngân bằng tiền mặt nhưng thiếu chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay; không kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay...

Kiểm toán Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2018,có 54 dự án cho vay lại được thực hiện từ trước năm 2010 quá hạn. Cụ thể, ủy thác qua VDB 43 dự án, BIDV 8 dự án; Vietcombank 3 dự án với dư nợ là 5.122 tỷ đồng, trong đó các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán là 3.551,68 tỷ đồng.

Năm 2018 còn phải ứng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ cho 2 dự án Chính phủ bảo lãnh 1.184 tỷ đồng.

Xem thêm

Đã có 76 tổ chức tín dụng áp dụng Basel II

Đã có 76 tổ chức tín dụng áp dụng Basel II

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội cho biết, việc triển khai chuẩn mực Basel II đang được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...