Theo ông Nguyễn Trần Nam, trong nguồn vốn 2.000 tỷ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, còn 1.200 tỷ đồng chưa giải ngân. Hiệp hội BĐS đề nghị trong số này, dành 600 tỷ đồng dành cho nhà thu nhập thấp, 600 tỷ đồng còn lại bù lãi suất cho vay dành cho đối tượng mua nhà ở thương mại giá rẻ. Giải pháp này theo ông Nam sẽ tạo dòng tiền cho các ngân hàng thương mại, đảm bảo đầu ra cho nhà ở thương mại giá rẻ cũng như tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định của thị trường BĐS.
Trước đó, tại một hội nghị tiếp xúc các doanh nghiệp (DN) đầu tư bất động sản tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Trần Hồng Hà cho hay: Thị trường nhà ở tiềm ẩn rủi ro nếu các nhà phát triển bất động sản tranh đua đầu tư vào phân khúc nhà ở cao cấp. Tín dụng vào bất động sản (BĐS) dồn phần lớn vào căn hộ cao cấp, trong khi nhu cầu thực của người dân lại không phải là những dạng căn hộ rộng hơn 100 m2, mức giá mà phải hàng chục năm mức thu nhập hiện nay người dân mới mua được.
Trên thực tế, theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản Việt Nam đáng lẽ phải phát triển thiên về phân khúc nhà ở giá rẻ từ lâu rồi. Trên tổng nguồn cung nhà ở và các dự án vẫn cho thấy sự khác biệt lớn giữa dự án và nhu cầu thực. Thay vì hiện nay hầu hết dự án đều tập trung chủ yếu vào phân khúc nhà ở cao cấp với giá trị từ 2 - 4 tỷ đồng/căn.
Các báo cáo của các hãng nghiên cứu bất động sản, tư vấn dự án cũng đều chỉ ra hiện số dự án được đưa ra thị trường đều thuộc phân khúc căn hộ hạng B (có giá không dưới 25 triệu đồng/m2 đến 40 triệu đồng/m2), nếu tính diện tích tối thiểu 45 m2 theo quy định của Bộ Xây dựng (giá nhà dao động từ 1,2 đến gần 2 tỷ đồng).
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay: Doanh nghiệp có tính toán thị trường và tái cơ cấu đầu tư của mình, rõ ràng việc tuyên bố đi vào thị trường nhà ở giá rẻ là hướng đúng với nhu cầu thực, đúng với các khuyến cáo của các chuyên gia. Thay vì những dự án cao cấp, đắt tiền, dư thừa, ít nhu cầu, chỉ phục vụ những đối tượng giàu có, thì thị trường sẽ có những căn hộ giá phù hợp với người dân hơn. Hiện tượng bất động sản bong bóng, sẽ khó có thể được....
Theo ông Võ, dù chưa thể nhận định chắc chắn vấn đề nhà ở trong tương lai tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM không còn là chuyện "cả đời" người, hàng chục năm mới mua được. Nhưng rõ ràng, đây là phản ứng thị trường trong cách thức đầu tư của DN.