Kiện phòng vệ thương mại tăng, doanh nghiệp cần làm gì để tránh rủi ro?

Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với hàng trăm vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
pvtm.jpg

Các mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra - basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong...

KINH TẾ BIẾN ĐỘNG, NHIỀU THỊ TRƯỜNG GIA TĂNG KIỆN PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

Dưới góc nhìn của một chuyên gia về phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, như theo dõi của chúng tôi, tạm tính từ năm 2017 cho đến thời điểm này xu hướng bảo hộ và phòng vệ thương mại trên thế giới tăng lên. Đến bây giờ là khoảng 6 năm, các vụ việc kiện phòng vệ thương mại trong giai đoạn này so với các vụ việc mà chúng ta đã đối mặt trước đây có ba đặc điểm chính khác biệt. Mà ba đặc điểm này đều gây khó khăn, vất vả cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Bà Trang nhấn mạnh, số lượng các vụ việc kiện phòng vệ thương mại trong vài năm trở lại đây tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước đây. Theo thống kê của chúng tôi, từ năm 2017 đến nay số lượng vụ việc phòng vệ thương mại mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại mà chúng ta đã đối mặt trong hơn 30 năm qua. Trong đó, số vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà chúng ta bị kiện từ năm 2017 đến nay chiếm tới gần 60% tổng số vụ kiện chống lẩn tránh mà chúng ta đã phải đối diện từ trước đến nay.

2 Bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI 2.jpg
Bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI

Trong khi đó về các mặt hàng, bà Trang thông tin giai đoạn cuối những năm 90, đầu những năm 2000 thì những mặt hàng mà chúng ta bị kiện chủ yếu là những mặt hàng mà chúng ta có kim ngạch xuất khẩu lớn và có thế mạnh trong xuất khẩu hoặc là mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, như thủy sản hay giày dép. Nhưng ở giai đoạn gần đây thì số lượng các mặt hàng và lĩnh vực của các ngành hàng bị kiện phòng vệ thương mại đã mở rộng hơn nhiều.

Thống kê của chúng tôi cho thấy, tính từ 2017 đến nay, có tới gần 40 mặt hàng đã bị kiện phòng vệ thương mại, trong đấy có những mặt hàng mà chúng ta cũng chỉ mới khai phá thôi và kim ngạch không quá lớn, bà Trang nói.

Đối với thị trường, theo quan sát của Trung tâm WTO và Hội nhập trước đây chỉ ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm của chúng ta mới bị kiện phòng vệ thương mại. Nhưng đến nay thì có thể thấy là các thị trường khác, kể cả những thị trường mới của chúng ta có số vụ việc phòng vệ thương mại cũng chiếm tỷ lệ rất lớn, bà Trang nói.

Theo bà Trang, trong tổng số 235 vụ việc tính từ năm 2017 đến thời điểm hiện tại thì thị trường Hoa Kỳ chiếm 23% số vụ việc, Ấn Độ chiếm 14%, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 10%, sau đó là Canada, EU, Philippines, Indonesia. Chúng ta có thể thấy là ở khắp các thị trường thì chúng ta đều bị kiện phòng vệ thương mại và tổng số 24 thị trường đã từng kiện phòng vệ thương mại đối với Việt Nam.

Phân tích về nguyên nhân, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập đưa ra quan điểm: “Một số thị trường có truyền thống sử dụng công cụ phòng vệ thương mại như là một trong những giải pháp chống lại sức ép của hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài. Ngoài ra thì trong giai đoạn này một số thị trường gặp biến động về kinh tế, họ cảm thấy bất lợi, cạnh tranh khó khăn thì cũng gia tăng việc kiện phòng vệ thương mại”.

Về nguyên nhân một số ngành hàng bị kiện nhiều hơn, bà Trang đưa ra ví dụ như trong so sánh với những sản phẩm khác thì sắt, thép hay nhôm thì dù không phải là nhóm mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nhưng đây lại là nhóm mặt hàng tập trung nhiều nhất các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới. Vì thế mà chúng ta cũng bị kiện nhiều hơn. Thêm vào đó, có những mặt hàng mà chúng ta đang gia tăng năng lực cạnh tranh và gây sức ép lên các ngành sản xuất nội địa ở các thị trường xuất khẩu, có thể là do chúng ta tận dụng được những ưu đãi về mặt thuế quan thông qua các Hiệp định thương mại tự do, hoặc cũng có thể do chúng ta cũng đang cải thiện năng lực, thì những mặt hàng đó nó đang đứng trước nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại nhiều hơn.

xuat-xu-hang-hoa_1506102703.jpg
Nhiều thị trường gia tăng kiện phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa trong nước

NHỮNG VIỆC DOANH NGHIỆP PHẢI LÀM ĐỂ TRÁNH RỦI RO

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bản chất của các biện pháp phòng vệ thương mại là nhằm đến các hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu, hoặc là do hàng nhập khẩu gia tăng với khối lượng đột biến không thể lường trước được. Trên cơ sở đó nước nhập khẩu sẽ áp dụng các biện pháp tương ứng. Tuy nhiên, trong các vụ việc, mà đặc biệt là những vụ việc trong thời gian trước đây, có thể thấy có rất nhiều doanh nghiệp không phải là do có những hành vi cạnh tranh không công bằng, mà là do doanh nghiệp chưa hiểu hết được những quyền lợi, nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải thực hiện, do đó có tâm lý e dè và ngại hợp tác, ngại cung cấp thông tin theo yêu cầu cơ quan điều tra, cũng như không đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu, quy định về thời hạn, về việc cung cấp thông tin. Và vì không hợp tác, hoặc không hợp tác đầy đủ thì họ sẽ sử dụng những dữ liệu khác. Những dữ liệu đó thường là dữ liệu rất bất lợi cho phía doanh nghiệp xuất khẩu.

Và để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316). Mục tiêu của đề án nhằm cảnh báo trước những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm.

1 Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.jpg
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

Thông qua công tác cảnh báo sớm, Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.

Tuy nhiên, để bảo vệ mình tốt hơn, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp cần phải làm những việc sau:

Đầu tiên, theo ông Trung khi đã xác định được nguy cơ đối với sản phẩm của mình xuất khẩu sang một thị trường nhất định, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, về quy định phòng vệ thương mại để hiểu được quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại. Các nội dung này bao gồm pháp luật của nước sở tại về phòng vệ thương mại, những nguyên tắc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chung trên thế giới thể hiện trong các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới,...

2aa09222-f90a-4130-81e9-7f75f3871e66.jpg

Tiếp theo doanh nghiệp cũng cần xác định một tâm thế là khi mà chẳng may nguy cơ đó thực sự xảy ra thì cần phải cân nhắc việc chủ động tham gia, chủ động chuẩn bị và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra một cách đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn. Đó là cơ hội mà cơ quan điều tra của nước nhập khẩu cung cấp cho chúng ta để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, ông Trung nói.

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, khi đã xác định được nguy cơ thì doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị trước về hệ thống quản trị doanh nghiệp, rà lại, kiểm tra lại hệ thống kế toán, hệ thống sổ sách chứng từ,… để đảm bảo hệ thống sổ sách chứng từ, kế toán của doanh nghiệp được hoàn thiện một cách đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác minh được. Khi vụ việc xảy ra doanh nghiệp phải cung cấp thông tin, hoặc cũng có thể cơ quan điều tra sẽ sang xác minh những thông tin đó thì sổ sách doanh nghiệp là một vấn đề rất quan trọng.

Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng cần có sự phối hợp, thông qua sự tập hợp của các hiệp hội để cùng chia sẻ thông tin, cùng đối phó với nguy cơ chung. Các ngành hàng đều đã có những bước đi vậy, như nhôm, thép, thủy sản,… Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tư vấn, chia sẻ những thông tin mà chúng tôi nắm được, để giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước năng lực cần thiết, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết.

Cuối cùng, ông Trung đưa ra lời khuyên, thông qua đánh giá được nguy cơ, doanh nghiệp nên xác định lại chiến lược kinh doanh của mình sao cho cân đối, hài hòa, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”. Một thị trường có thể nói là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp, đem lại những lợi ích rất lớn, nhưng trong bối cảnh nhiều rủi ro xảy ra phòng vệ thương mại mà không có phương án B, phương án thay thế hoặc giải pháp nào đó thì cũng sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm