Xuất khẩu càng tăng, doanh nghiệp bị điều tra phòng vệ thương mại càng nhiều!

Khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng và chiếm được thị phần lớn hơn thì các doanh nghiệp bị điều tra phòng vệ thương mại cũng tăng theo.

Câu chuyện nhìn từ xuất khẩu xi măng

Thông tin với chúng tôi về tình hình hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng các biện pháp điều tra chống bán phá giáđiều tra phòng vệ thương mại, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương cho biết: những năm qua các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam bị áp dụng các biện pháp trên có số lượng ngày càng tăng lên.

"Các con số thống kê cho chúng ta thấy cứ 5 năm 1 lần thì số lượng các vụ việc tăng gấp đôi. Chúng tôi xác định trong thời gian tới, với xu hướng như thế này thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài", ông Trung đánh giá.

Để chứng minh cho những thông tin ông Trung vừa đưa ra, chúng tôi lấy ví dụ của xuất khẩu xi măng trong những năm qua. Cụ thể, theo Tiến sỹ Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, khi hàng hóa xuất khẩu của chúng ta lớn và có sức cạnh tranh sẽ bị chú ý và bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Về sản xuất xi măng thì hiện nay có thể nói chúng ta đang là một cường quốc sản xuất xi măng trên thế giới. Sản lượng xi măng của chúng ta đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Về xuất khẩu xi măng của chúng ta càng ngày càng nhiều. Theo số liệu của năm 2021 thì Việt Nam đứng vào tốp nước thứ nhất hoặc thứ hai gì đó về xuất khẩu xi măng trên thế giới và chúng ta xuất khẩu đi rất nhiều thị trường ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, Nam Mỹ, Úc đều xuất khẩu, Tiến sỹ Lương Đức Long thông tin.

Vẫn theo Tiến sỹ Lương Đức Long, trong đó Philippines, Trung Quốc và Bangladesh là ba thị trường Việt Nam xuất khẩu xi măng nhiều nhất, đặc biệt Philippines là một nước hiện nay đang nhập khẩu xi măng và Việt Nam là nước xuất khẩu vào Philippines lớn nhất, chiếm khoảng 92% tổng lượng nhập vào Philippines.

Xuất khẩu càng tăng, doanh nghiệp bị điều tra phòng vệ thương mại càng nhiều
Xuất khẩu càng tăng, doanh nghiệp bị điều tra phòng vệ thương mại càng nhiều

Có lẽ chính vì nguyên nhân trên nên năm 2021 các nhà xuất khẩu xi măng của Việt Nam bị các nhà sản xuất xi măng của Philippines kiện chống bán phá giá, vì gây ảnh hưởng, thiệt hại đến sản xuất trong nước của họ, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam đưa ra nhận định.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, "đó là lần đầu tiên xuất khẩu xi măng biết đến chuyện phòng vệ thương mại, mà cũng lần đầu tiên biết đến chuyện mình bán xi măng ra nước ngoài khi mình đã chấp hành đầy đủ tất cả các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) theo yêu cầu của nước nhập khẩu rồi, nhưng cuối cùng mình lại bị kiện bán phá giá, bị điều tra phòng vệ thương mại".

Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, chỉ khi tiếp cận vụ việc, chúng tôi mới biết được khái niệm thế nào là bán phá giá khi xuất khẩu. Nghĩa là không phải là bán dưới giá thành, mà người ta lại so sánh với giá bán ở trong nước họ. Đối với chúng tôi những khái niệm đấy cũng khá mới mẻ. Khi đó họ thành lập ủy ban điều tra và họ yêu cầu các nhà xuất khẩu của mình phải trả lời rất là nhiều câu hỏi. Sau đó, chúng tôi đã bàn bạc và tập hợp lực lượng để có thể đối phó lại với vụ kiện của các doanh nghiệp sản xuất xi măng phía Philippines.

Nếu như họ áp dụng thuế chống bán phá giá thời điểm ấy, có khả năng có những doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta sẽ phải chịu mức thuế lên đến 23%. Tức là thiệt hại rất lớn cho công tác xuất khẩu, vị Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam nói.

Vì sao ngày càng nhiều doanh nghiệp bị điều tra phòng vệ thương mại?

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Văn phòng Luật sư IDVN chia sẻ, có thể nói 10 năm vừa qua, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại nhắm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam ngày một gia tăng. Thường cứ 5 năm số lượng vụ việc lại tăng gấp đôi. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, Việt Nam cũng tăng cường ký kết các Hiệp định thương mại tự do mới.

Theo Luật sư Thảo, "Ưu điểm đầu tiên của các Hiệp định thương mại tự do mang đến chính là sẽ dỡ bỏ hoặc làm giảm đáng kể những các rào cản về thuế quan tại các thị trường nhập khẩu và tạo ra một động lực cho hàng hóa xuất khẩu của Vệt Nam thâm nhập sâu hơn và rộng hơn vào các thị trường này. Từ đấy cũng sẽ tạo ra những áp lực đối với hàng hóa được sản xuất tại chính những quốc gia nhập khẩu đó”.

Vẫn theo Luật sư Thảo, khi Việt Nam trở thành đối tác của nhiều quốc gia hơn trong các Hiệp định thương mại tự do đồng nghĩa với việc Việt Nam cũng trở thành một điểm đến thu hút hơn về mặt đầu tư. Có nghĩa là các doanh nghiệp nước ngoài từ rất nhiều quốc gia và đặc biệt có thể kể đến là cả Trung Quốc - một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng đầu trên thế giới cũng có sự chuyển dịch sang Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Văn phòng Luật sư IDVN
Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Văn phòng Luật sư IDVN

“Chính những nguyên nhân này làm gia tăng rất nhiều các vụ việc nhắm vào Việt Nam trong giai đoạn gần đây, nhất là trong khoảng 3 năm trở lại đây. Đặc biệt trong năm 2022 các vụ việc phòng vệ thương mại có sự gia tăng đáng kể đối với một loại hình điều tra mới đó là điều tra chống lẩn tránh”, Luật sư Thảo phân tích.

Vị nữ Luật sư giải thích: điều tra chống lẩn tránh về bản chất có nghĩa là biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng ở tại một quốc gia khác. Ví dụ như Trung Quốc nhưng sau đó có thể là các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam hoặc là họ xuất khẩu sang nước áp dụng biện pháp đó thông qua Việt Nam. Từ đó dẫn tới hàng hóa của Việt Nam cũng bị áp dụng hoặc là bị điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại. Hệ quả của điều tra chống lẩn tránh cũng rất là đặc thù. Nếu như quốc gia nhập khẩu xác định rằng có hành vi lẩn tránh thì quốc gia nhập khẩu có quyền áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức độ tương tự giống như đang áp dụng cho quốc gia ban đầu.

Ví dụ như trong vụ việc gần đây nhất Việt Nam đang phải chịu điều tra của Hoa Kỳ đối với sản phẩm ván ép chẳng hạn, thì mức thuế đang áp dụng cho các sản phẩm từ Trung Quốc lên tới hơn 200%. Và khi mà phía Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh với hàng hóa của Việt Nam, lúc đó hàng hóa của Việt Nam sẽ có nguy cơ bị áp dụng với mức thuế 200%, vị nữ Luật sư cho biết.

Việc điều tra chống lẩn tránh rất khác với chống phá giá. Bởi, chống phá giá là họ sẽ tính một biên độ riêng cho hàng hóa của Việt Nam. Trong năm 2022 các vụ kiện liên quan tới chống lẩn tránh của Hoa Kỳ được khởi xướng nhằm vào Việt Nam tương đối nhiều và có sự gia tăng. Hoa Kỳ là quốc gia được gọi là tiên phong trong việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới, tức là họ có bề dày lịch sử điều tra cũng như phát triển thực tiễn cách thức điều tra từ rất lâu rồi và khi mà Hoa Kỳ đang chuyển dịch sang các cuộc điều tra về chống lẩn tránh hoặc chống gian lận cũng có thể là sẽ tạo ra một tiền lệ để các quốc gia khác người ta cân nhắc và lựa chọn một con đường như vậy, Luật sư Thảo cảnh báo.

Vì những lý do trên, Luật sư Thảo đưa ra khuyến nghị, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phải hết sức cẩn trọng. Ngoài vấn đề quan tâm đến giá bán của chính mình, quan tâm đến chi phí sản xuất của chính mình thì còn phải quan tâm đến diễn biến liên quan tới các vụ việc hoặc là các biện pháp áp dụng cho các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam ở trên thị trường quốc tế.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm