Kim ngạch xuất nhập khẩu: Kỳ tích 400 tỷ USD

Một kỳ tích của nền kinh tế đã xuất hiện, khi tính đến giữa tháng 12/2017, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chạm ngưỡng 400 tỷ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu: Kỳ tích 400 tỷ USD

Đây thực sự là một kỳ tích nếu nhìn vào con số hơn 30 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2001 - năm đầu tiên của thế kỷ XXI hay mức 100 tỷ USD của năm 2007; 200 tỷ USD năm 2011 và 300 tỷ USD của năm 2015. Chính Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã dùng từ “kỳ tích” để nói về thành tựu này.

Con số 400 tỷ USD đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Việt Nam trong hội nhập sâu rộng và toàn diện vào kinh tế toàn cầu. Con số 400 tỷ USD thêm một lần nữa khẳng định những đóng góp to lớn của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, bởi khu vực này đóng góp tới 145 tỷ USD cho xuất khẩu và 120,6 tỷ USD cho nhập khẩu, chiếm hơn 66% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu chỉ tính riêng xuất khẩu, tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI đạt trên 71%.

Xuất nhập khẩu tăng nhanh, nhất là khi cán cân thương mại được cải thiện với khả năng Việt Nam đạt thặng dư 3 tỷ USD trong năm nay, đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Tuy vậy, không phải không còn những băn khoăn đằng sau kỳ tích này.

Trước tiên, là độ mở của nền kinh tế đã quá lớn. Trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 400 tỷ USD, nhưng GDP mới đạt trên 200 tỷ USD, thì Việt Nam cần phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những thay đổi khó lường của tình hình quốc tế. Nếu không, hệ lụy là khôn lường.

Thêm nữa, cũng không thể không đặt câu hỏi rằng, trong 400 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu, nói đúng hơn là trong 204 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam thu về được bao nhiêu? Lâu nay, câu chuyện Việt Nam chỉ là công xưởng gia công, xuất khẩu nhiều, nhưng giá trị gia tăng ít, luôn được nhắc tới. Chừng nào điểm nghẽn này chưa được giải tỏa, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa phát triển, thì niềm vui xuất khẩu lớn vẫn chưa thực sự trọn vẹn.

Tất nhiên, trong câu chuyện này không thể không nói tới việc trong khi khu vực FDI xuất siêu lớn (hơn 24,4 tỷ USD tính đến thời điểm này), thi khu vực trong nước nhập siêu hơn 21,6 tỷ USD. Vì thế, nếu nhìn vào sự chênh lệch quá lớn này, tất yếu sẽ có những bình luận về việc khu vực FDI đang lấn át khu vực trong nước.

Đúng là khu vực FDI đang lấn lướt khu vực trong nước nếu nhìn vào những con số. Nhìn một cách công bằng, phải thừa nhận khu vực trong nước còn yếu, từ đó có giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển, đủ sức trở thành đối trọng của khu vực FDI, để cùng liên kết, phát triển. Một khi sự phát triển giữa khu vực nội địa và FDI là song hành, kinh tế Việt Nam sẽ mạnh hơn. Khi đó, kỳ tích xuất khẩu 400 tỷ USD, thậm chí là 500 tỷ USD, 600 tỷ USD hay nhiều hơn, sẽ càng có ý nghĩa đối với kinh tế Việt Nam.

baodautu.vn/ky-tich-400-ty-usd-d74561.htmlhttp://baodautu.vn/ky-tich-400-ty-usd-d74561.html

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...