Lạc lối ở Grasse - Kinh đô nước hoa của thế giới

Không phải ngẫu nhiên mà thành phố cổ kính như Grasse lại trở thành linh hồn của ngành công nghiệp nước hoa. Đến Grasse du lịch có gì hay?

Khi đi du lịch ở Grasse, người ta thường mường tượng những cánh đồng hoa bạt ngàn.

Francis de Croisset, nhà viết kịch ngươì Pháp gốc Bỉ khi nói về Grasse, đã nói rằng: “Grasse là thành phố duy nhất trên thế giới có chữ “nhà máy” gợi lên chất thơ”.

Grasse: Thành phố cổ nắm giữ linh hồn nước thơm

Thành phố Grasse tọa lạc ở miền Nam nước Pháp, thuộc vùng trung du của vùng Côte d’Azur. Nó cách thành phố tiệc tùng Cannes chỉ 12km. Với vị trí địa lý lý tưởng được bao quanh giữa biển và núi, Grasse nổi tiếng là thủ phủ nước thơm trên khắp thế giới.

Những “cái mũi” của những thương hiệu nước hoa luôn đến Grasse du lịch để rèn luyện thính giác của mình, khi học cách phân biệt hơn 2000 mùi hương khác nhau mà vùng đất này sở hữu.

Thành phố Grasse cũng là nơi làm nên cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết kinh điển Perfume: The story of a murderer xuất bản năm 1985 và được chuyển thể thành phim.

Toàn cảnh Grasse nhìn từ không trung. Ảnh: Getty Images

Vì sao Grasse là cái nôi của giới làm nước hoa?

Không phải ngẫu nhiên mà thành phố cổ kính như Grasse lại trở thành linh hồn của ngành công nghiệp nước hoa.

Đầu tiên, vùng đất này luôn hội tụ những điều kiện khí hậu thuận lợi để trồng trọt nhiều hoa màu. Ví dụ như nhiệt độ ôn hòa, mùa nắng ấm kéo dài, ít mưa.

Thứ hai, thổ nhưỡng giàu phù sa nên đất đai rất màu mỡ, giúp các loại cây hoa tại đây tạo nên mùi thơm đậm đà.

Ba là, Grasse quy tụ những nghệ nhân làm nước hoa chăm chỉ, yêu nghề. Kỹ thuật chế tác nước hoa thủ công được truyền từ nhiều đời, và vẫn được áp dụng ngày nay.

Cảnh thu hoạch hoa hồng Rose de Mai tại Grasse. Ảnh: Dior

Nền công nghiệp nước hoa Grasse đã bắt đầu như thế nào?

Lý do Grasse trở thành kinh đô nước hoa khá ngẫu nhiên, bắt đầu từ một nhu cầu rất thực tế, không hề hoa mỹ.

Vào thời Phục Hưng, tầm thế kỷ 16, vùng đất này vốn là nơi xử lý da thuộc và sản xuất găng tay. Mà ai chẳng biết, quy trình thuộc da gây nên mùi hăng, nồng, khó chịu.

Lúc này, một thợ thuộc da ở Grasse, Jean de Galimard, đã nảy ra ý tưởng: Sao không dùng nước hoa nhằm khử mùi hôi của đồ da mới? Quanh Grasse, hoa mọc dại um tùm. Chúng trở thành nguyên vật liệu làm nên những chiếc lọ nước thơm đầu tiên

Sau đó, anh đã tặng một đôi găng tay có mùi thơm cho Catherine de Medici, nữ hoàng nước Pháp (1547-1559). Đôi găng tay da phảng phất mùi thơm nhận được sự yêu thích của giới quý tộc đến mức vua Louis XIII phải công nhận các nhà sản xuất găng tay thơm (Perfumed Glove Makers) là một nghề thủ công đặc sắc vào năm 1614.

Hình minh họa ghi lại cảnh Catherine de Medici bên những đôi găng tay ướp mùi hương. Ảnh: Carrément Belle.

Thuở sơ khai, nghệ nhân Grasse chuyên chế tác nước hoa từ các loại hoa bản địa. Phổ biến nhất là hoa Hồng, hoa Huệ trắng, và hoa Nhài. Theo thời gian, việc sản xuất dầu thơm trở nên sinh lợi hơn so với sản xuất găng tay. Và ngành công nghiệp nước thơm xa xỉ đã ra đời.

Tuy nhiên, cho tới đầu thế kỷ 20, Grasse và các khu vực lân cận mới có được danh tiếng được thế giới công nhận. Việc tạo ra tinh chất và nguyên liệu thô có mùi thơm được thực hiện tại nơi sản xuất.

Ngày nay, các ngành công nghiệp chế tác nước hoa ở Grasse đã gia tăng, và mở rộng phạm vi hoạt động để đáp ứng nhu cầu của thị trường đang trên đà phát triển mạnh. Ngoài ra, nền du lịch dựa trên ngành công nghiệp nước hoa cũng mang lại lợi nhuận tốt cho Grasse.

Lily Rose-Depp trong một chuyến đi thăm thú vườn hồng làm nên nước hoa Chanel. Ảnh: Chanel

Những loài hoa trứ danh của Grasse

Các loài hoa bản địa được sử dụng nhiều nhất là hoa nhài, hoa hồng, hoa và lá của cây cam, hoa huệ, jonquil (một họ thủy tiên), hoa tử linh lan (violet), mimosa, các họ oải hương (lavandin và lavender).

Các giống hoa hồng được thu hoạch từ đầu tháng Năm đến đầu tháng Sáu. Hoa cam được thu hoạch từ cuối tháng Tư đến đầu tháng Sáu. Hoa nhài thu hoạch vào tháng Bảy và tháng Tám. Oải hương nở rộ vào mùa tháng Bảy.

“Chất lượng của các loài hoa tại đây, đặc biệt là họ hoa hồng, hoa nhài và huệ trắng, rất đặc biệt. Mùi hương thơm ngát, không đâu sánh bằng”.

– Philippe Massé, chủ tịch hiệp hội nghệ nhân làm nước hoa tại Grasse –

Hoa Huệ trắng. Ảnh: Harper’s Bazaar Vietnam.

Ngoài những nguyên liệu trên, nhà xưởng nước hoa tại Grasse sẽ nhập khẩu thêm nguyên liệu từ các quốc gia khác ở trạng thái thô như:

  • Rễ: hoa diên vĩ của Tuscany, Haiti và Java
  • Địa y: Rêu sồi từ Balkans
  • Hạt: Ambrette từ Martinique/ Seychelles, hạt tiêu, cà rốt, thìa là hoặc rau mùi.
  • Gỗ: Đàn hương và Tuyết tùng
  • Lá: Hoắc hương, Phong lữ, Violet
  • Vỏ cây: Quế, Styrax
  • Gôm: Cistus, hương, Opoponax

Làm gì khi đến Grasse đi du lịch?

Cho dù không phải một chuyên gia trong lĩnh vực làm nước hoa, bạn vẫn có thể đến thành phố Grasse thăm thú và thưởng lãm. Do Grasse chỉ cách xa Cannes 12km, bạn có thể dùng xe buýt hoặc taxi để di chuyển đến Grasse từ Cannes.

Tại Grasse, các hoạt động du lịch chủ yếu xoay quanh ngành công nghiệp nước hoa. Một số gợi ý cho bạn là:

Tự chế tác nước hoa của riêng mình

Khu vực tự chế tác nước hoa tại studio Galimard. Ảnh: Galimard

Bạn có thể đến studio Galimard ở ngay trung tâm Grasse. Đây cũng là thương hiệu do anh chàng Jean de Galimard, người đầu tiên sản xuất nước hoa tại Grasse, sáng lập. Thành lập năm 1747, Galimard từng là nhà cung cấp nước hoa cho hoàng gia Pháp, dưới thời vua Louis XV.

Ba lần trong ngày, Galimard sẽ mở workshop giúp bạn tự chế nước hoa. Qua workshop, bạn sẽ học được thế nào là ba tầng hương của nước hoa, cách tạo combo mùi hương hợp lý, v.v. Và tất nhiên là làm nên chai nước hoa của riêng mình.

Đặc biệt, Galimard sẽ lưu giữ lại công thức của bạn. Trong tương lai, bạn chỉ cần liên hệ, là Galimard sẽ pha một lọ nước hoa mới theo đúng công thức này và gửi đến nhà riêng của bạn.

Ngoài studio Galimard, studio Molinard cũng có workshop dạy làm nước hoa. Các lọ nước hoa của hãng đến từ thương hiệu pha lê Baccarat và Lalique cao cấp, rất đáng đến tham quan.

Đến Grasse du lịch không thể không tham quan nhà máy chế tác nước hoa

Bảo tàng nước hoa Fragonard. Ảnh: Fragonard

Có bốn nhà máy ở Grasse mở cửa cho du khách tham quan khi đến đây du lịch. Qua tour, du khách được tìm hiểu về quá trình tạo ra mùi hương một cách công nghiệp. Một lựa chọn mà Harper’s Bazaar rất thích là nhà máy Fragonard.

Fragonard Perfumerie là một trong những nhà chế tác nước hoa lâu đời nhất Grasse. Tại khuôn viên Fragonard còn có cả viện bảo tàng nước hoa phong cách cổ kính. Và tất nhiên, Fragonard cũng có workshop dạy làm nước hoa cá nhân.

Muốn ngắm đồng hoa khi du lịch Grasse, bạn phải lên lịch kỹ

Ảnh: Instagram @globestyle.

Rất nhiều khách du lịch đến Grasse tìm kiếm những cánh đồng hoa bát ngát trải dài. Thực tế, việc trồng hoa tập trung chủ yếu ở những mảnh đất nhỏ của gia đình. Hoa được trồng theo mùa và thường có thời gian rất trồng rất ngắn.

Một địa chỉ cho bạn là La Domaine de Manon. Đây là nhà cung cấp hoa hồng Rose de Mai, hoa huệ trắng và hoa nhài cho Dior. Tuy nhiên, muốn ngắm hoa thì bạn phải tính thời gian tham quan rất kỹ. Mùa thu hoạch hoa hồng là vào tháng Năm và Sáu. Mùa hoa nhài là tháng Tám đến tháng Mười. Đến tham quan những tháng khác trong năm thì bạn sẽ không có cơ hội thưởng lãm.

Muốn thưởng lãm đồng hoa mimosa, bạn sẽ phải dời bước qua Massif du Tanneron, cách Grasse nửa tiếng lái xe. Hoa nở vào dịp từ tháng Giêng đến tháng Ba hàng năm.

Còn các đồng hoa lavender thì lại không nằm ở phạm vi Côte d’Azur của Grasse, mà là về phía Provence. Chỗ chụp hình nổi tiếng là Lavender Trail ở Sault, cách Grasse 3 tiếng đồng hồ lái xe.

Đến du lịch Grasse vào tuần đầu tháng Tám, bạn sẽ có cơ hội tham gia lễ hội hoa nhài (Fête du Jasmin). Lễ hội ăn mừng loài hoa với lễ bắn pháo hoa long trọng. Người dân cũng tung các cánh hoa nhài, và tát nước thơm thẩm thấu hương hoa, lên khách bộ hành.

Chầm chậm thả bộ dọc con đường cổ kính của Grasse và thưởng thức món ăn địa phương

La Bastide Saint-Antoine, nhà hàng hạng sao Michelin. Ảnh: The Luxe Voyager

Từ một làng quê nhỏ của thế kỷ 18, ngày nay, Grasse đã là một thành phố lớn với hơn 50,000 cư dân. Tuy vậy, sự cổ kính vẫn thấm đẫm qua từng viên gạch, từng mái ngói của các toà nhà.

Len lỏi qua các góc phố nhỏ, bạn sẽ phát hiện những quán ăn gia đình ngon đậm bản sắc miền Nam Pháp. Ngoài những món phô mai địa phương, Grasse còn có một số món ăn lạ như Fougassette (một loại bánh mì brioche tẩm hoa cam) hay Artichauts à là Barigoule (bông atiso hầm với chanh và ba rọi heo).

Grasse cũng có một nhà hàng đạt chuẩn Michelin, La Bastide St-Antoine, nơi cũng là khách sạn boutique năm sao xa xỉ.

Đôi nét về các phương pháp điều chế nước hoa của Grasse

ENFLEURAGE

Đây là phương pháp lâu đời nhất. Điều này giúp lưu giữ hương thơm của những loài hoa mỏng manh nhất như hoa nhài, hoa huệ và mimosa.

Trong phương pháp này, các lớp cánh hoa sẽ được rải xen kẽ với nhiều lớp mỡ động vật không mùi. Tinh dầu và mùi thơm trong hoa sẽ thấm đẫm vào trong lớp mỡ. Sau khoảng 3 ngày, khi các cánh hoa đã phai hết hương, chúng được thay thế bằng lớp cánh hoa mới. Cuối cùng, khi lớp mỡ động vật đã thấm đẫm hương hoa, nó được tinh lọc cùng cồn ethyl. Phần cồn này sẽ kéo ra toàn bộ mùi hương đã được tích tụ trong lớp mỡ.

Hoa ép trong lớp mỡ trong quá trình Enfleurage. Ảnh: Wild Veil Perfume

CHƯNG CẤT

Phương pháp này dùng để sản xuất tinh dầu từ các loại hoa trong trạng thái tự nhiên như oải hương, hoắc hương, cỏ vetiver, hoa hồng và phong lữ. Tuy nhiên, phương pháp chưng cất không thể chiết xuất hương thơm từ những cánh hoa như phương pháp Enfleurage – chiết xuất bằng chất rắn hòa tan.

Trong máy tạo hơi nước, hơi được tạo ra mang theo các hạt mùi của cây. Hỗn hợp hơi này được “cổ thiên nga” mang vào khu vực làm mát hoặc Serpentin – nơi hơi được giảm xuống trạng thái lỏng. Và “bình florentine” là một thiết bị tách dầu-nước được cung cấp hơi ngưng tụ của quá trình chưng cất hơi nước trong quá trình chiết xuất hương thơm. Ví dụ, để sản xuất ra 1 kg tinh dầu, chúng ta sẽ phải cần chưng cất 330kg lá hoắc hương hoặc 150kg hoa Oải hương.

TRÍCH XUẤT

Đây là phương pháp sử dụng nhiệt và tác nhân hóa học để tạo ra tinh dầu từ quả mọng, hoặc từ các loại trái cây họ cam quýt. Tuy nhiên, mặc dù hầu hết sản phẩm tự nhiên được sử dụng đều là thực vật. Nhưng có bốn nguyên liệu thô cơ bản đến từ động vật, đó là:

  • Hổ phách (từ Cá voi)
  • Xạ hương (từ Hươu xạ)
  • Thầu dầu (từ Hải ly)
  • Xạ hương (từ Chồn hương)

Ngày nay, những hương liệu động vật này được tái tạo tổng hợp.

CHIẾT XUẤT BẰNG DUNG MÔI DỄ BAY HƠI

Phương pháp này hoạt động do nhiệt độ sôi thấp của một số dung môi (Ete, Benzen, rượu, Axeton,…); cho phép bạn thu được sản phẩm cơ bản từ thảm thực vật tươi và nhựa từ thảm thực vật khô. Sau đó, bằng cách tách các chất sáp còn sót lại, sẽ thu được sản phẩm cơ bản. Trong phương pháp này, 600kg hoa Hồng hoặc hoa Nhài được xử lý sẽ thu được 1kg tinh dầu đậm đặc.

Theo Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Có thể bạn quan tâm