Cuối năm 2016, đầu năm 2017 phần lớn dự báo của giới chuyên gia đều nhận định tình hình lãi suất năm 2017 sẽ chịu nhiều áp lực và thách thức hơn năm 2016, tác động tới việc ổn định mặt bằng lãi suất.
Tuy nhiên, gần hết chặng đường quý II/2017, theo đánh giá của TS. Luật sư Bùi Quang Tín (ĐH. Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh), thực tế nhìn thấy là lãi suất đã có những tín hiệu khả quan, sáng sủa hơn so với những lo ngại được đưa ra thời điểm trước đây.
Ông có thể nói rõ hơn về nhận định này?
Để có một cái nhìn rõ nét hơn về mặt bằng lãi suất hiện nay, chúng ta cần xét ở nhiều loại lãi suất. Thứ nhất là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Hiện trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất đang có dấu hiệu hạ nhiệt với lãi suất bình quân qua đêm chỉ khoảng 2%. Điều này chứng tỏ cách thức điều hành của NHNN hiện giờ khá linh hoạt qua các kênh nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, hỗ trợ tốt cho thanh khoản trên thị trường 2. Bên cạnh đó, cũng cần nói thêm rằng NHNN đã kiểm soát được lạm phát phù hợp. Bởi nếu so sánh với các năm, nếu đẩy một lượng cung dồi dào thì chắc chắn sẽ tác động mạnh tới lạm phát. Theo báo cáo của HSBC, chỉ số CPI tiếp tục hạ nhiệt với lạm phát trong tháng 5 ở mức 3,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức 4,3% của tháng trước.
Thêm nữa, năm nay Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự kiến lạm phát khoảng dưới 4%. Hiện nay, chúng ta vẫn đang kiểm soát được chuyện này. Nhưng cũng cần lưu ý, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc tăng cung tiền thì sẽ ảnh hưởng tới lạm phát. Theo tôi, lãi suất khó có thể hạ thêm, từ nay tới cuối năm duy trì như mặt bằng hiện nay là đẹp.
Trên thị trường 1, hiện nay một số NHTM quy mô nhỏ - những ngân hàng trước giờ hay “thích” chạy đua lãi suất - đã giảm lãi suất từ 0,2-0,5% các kỳ hạn. Lãi suất trên thị trường mở (OMO) hiện cũng đang được NHNN điều hành ổn định. Một yếu tố cần cân nhắc là theo số liệu của Bộ Tài chính, dù chưa hết quý II nhưng trái phiếu Chính phủ đã hoàn thành 67% kế hoạch – tiến độ nhanh hơn so với năm 2016.
Tuy vậy, thanh khoản trên thị trường vẫn không bị tác động mạnh như năm ngoái. Đây được xem là một dấu hiệu thành công hơn so với năm ngoái, khi năm 2016 bị áp lực lớn từ kênh hút vốn trái phiếu Chính phủ.
Mặt bằng lãi suất đang giảm, nhưng ông vẫn cho rằng lãi suất khó giảm thêm?
Phải nhấn mạnh điều này, đó là lãi suất hiện đang giảm. Nhưng như tôi nói ở trên, nếu tiếp tục giảm thêm thì sẽ rất khó, vì nguy cơ tác động tới lạm phát. Bởi NHNN bên cạnh việc hỗ trợ tăng trưởng thì còn phải gánh trọng trách kiểm soát lạm phát nữa. Lạm phát tháng 5 chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nên có thể giảm được thêm một chút 0,5 - 0,75%, khi đó lạm phát lên khoảng 4% là hợp lý. Theo dự cảm của tôi, nếu lãi suất giảm thêm khoảng 1% thì lạm phát nhiều khả năng sẽ trên 4%. Khi đó lãi suất đáp ứng được mục tiêu giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng mục tiêu lạm phát thì không đạt được.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất USD thêm một lần nữa trong năm nay và 3 lần trong năm 2018. Điều này sẽ tác động đến thị trường trong nước thế nào?
Nếu nói Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới thì cũng chưa chắc. Quan điểm của tôi cũng như nhiều chuyên gia đánh giá là nếu có tăng, thì dự kiến sẽ rơi vào tháng 12/2017. Tuy nhiên đó mới chỉ là dự kiến, cũng có thể kịch bản này không xảy ra. Bởi hiện nay, Fed đang dự trù sẽ cắt giảm lượng giữ trái phiếu xuống. Đây cũng là một cách thức để thắt chặt chính sách tiền tệ. Khi đó, cơ quan này rất khó để cùng lúc thực hiện đồng thời việc tăng lãi suất và giảm lượng giữ trái phiếu.
Nếu quyết tâm giảm lượng trái phiếu xuống, cũng có nghĩa cơ hội tăng lãi suất sẽ hẹp lại. Đặc biệt trong điều kiện các chính sách kinh tế của Mỹ hiện nay chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng ban đầu lúc Tổng thống Donald Trump mới nhậm chức. Mỹ dự kiến tăng lãi suất khi lạm phát của quốc gia này tăng lên quá 2%, mà hiện nay dự báo cho tới cuối 2017 mới chỉ là 1,6%.
Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD. Theo ông việc này sẽ có tác động thế nào?
Chắc chắn đây là một sự thuận lợi cho các ngân hàng khi giải quyết nợ xấu, đặc biệt liên quan tới vấn đề tài sản bảo đảm, nhất là hơn 80% tài sản bảo đảm là bất động sản. Các cơ chế, quy định đưa ra trong Nghị quyết chắc chắn sẽ hỗ trợ nhiều cho vấn đề giải quyết nợ xấu, giúp cho cả NH và DN có được những bước phát triển bền vững hơn. Nhưng cũng nên thẳng thắn nhìn nhận, không nên coi đây là “liều thuốc tiên” để giảm lãi suất, mà đây là yếu tố hỗ trợ cho cơ hội giảm lãi suất.
Xin cảm ơn ông!
Theo Minh Khuê/ TBNH
>> Doanh nghiệp đau đầu vì lãi suất bất ngờ tăng