Trong “cơn khát vốn” nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí càng về cuối năm càng tăng.
Chỉ tính riêng tháng 11, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã nâng mức lãi suất huy động lên tới 9%/năm ở kỳ hạn 12 tháng trở lên. Đến nay, Techcombank đã 4 lần tăng lãi suất trong tháng.
Theo khảo sát của PV, hiện SCB vẫn là ngân hàng niêm yết mức lãi suất cao nhất thị trường, ở ngưỡng 9,20%/năm kỳ hạn 12 tháng (gửi tại quầy). Theo sau là NCB cũng vừa tăng lãi suất thêm 0,1%/năm; nên lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng là 9,05%/năm.
Cũng tại kỳ hạn 1 năm, nhiều ngân hàng khác thời gian qua cũng đã niêm yết lãi suất ở mức cao, điều chỉnh lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng theo hướng tăng lên; điển hình như: OCB 8,8%/năm, SHB 8,7%/năm, BAOVIETBank 8,6%...
Riêng khối ngân hàng quốc doanh là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank, lãi suất huy động cao nhất chỉ ở mức 7,4%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên. Lãi suất cũng có tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 0,5 -1% so với các ngân hàng thương mại cổ phần và cũng là mức huy động thấp nhất hệ thống.
Tuy vậy, đây chỉ là bảng lãi suất niêm yết còn trên thực tế, lãi suất có thể có sự khác biệt tại mỗi chi nhánh.
Các ngân hàng cũng đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ cư dân. Một vài ngân hàng còn sử dụng biểu lãi suất bậc thang khi khách hàng rút trước hạn.
Lý do ngân hàng đua nhau tăng lãi suất
Việc tăng lãi suất huy động sẽ giúp các ngân hàng tăng khả năng cạnh tranh với các kênh đầu tư khác nhằm huy động được tiền nhàn rỗi, đáp ứng nhu cầu vốn đang gia tăng trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh do số lượng thành lập doanh nghiệp mới cũng như số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đưa ra kế hoạch mở rộng sản xuất, mở rộng nhà máy cũng như tăng chuỗi bán lẻ hàng hóa.
Thực tế này sẽ giúp người gửi tiền hưởng lợi nhưng lại tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Theo giới chuyên gia, từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ còn tiếp tục tăng do áp lực lạm phát cũng như để thêm nguồn vốn, tránh việc mất cân đối tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đồng thời, huy động vốn nhằm hút tiền về, giảm áp lực lên thanh khoản phục vụ mùa kinh doanh cuối năm.
Khi có tiền gửi tiết kiệm, bạn có thể áp dụng công thức sau để tính số tiền lãi mình được nhận: Tiền lãi = tiền gửi x lãi suất %/12 x số tháng gửi. |