Cập nhật biểu lãi suất tại 28 ngân hàng thương mại trong nước cho thấy, lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng đang được niêm yết trong khoảng từ 3,9%/năm đến 6,1%/năm. Hầu hết, các ngân hàng tiếp tục thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng 8 này.
Theo khảo sát, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất ghi nhận được ở kỳ hạn này là 6,1%/năm đang được triển khai tại ngân hàng OceanBank đối với cả hình thức gửi tiền trực tuyến và trực tiếp.
Tương tự, ngân hàng NCB cũng ấn định mức lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn 24 tháng đối biểu lãi suất tiết kiệm An Phú. Đối với biểu lãi suất tiết kiệm truyền thống, ngân hàng này ấn định mức lãi suất thấp hơn là 6%/năm, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Theo sau đó, mức lãi suất huy động cao thứ hai ở kỳ hạn 24 tháng là 6,05%/năm ghi nhận được tại ngân hàng BacA Bank. Thấp hơn một chút là mức lãi suất tiết kiệm 6%/năm, áp dụng cho các khoản tiền gửi tại ngân hàng BVBank và Saigonbank, BAOVIET Bank.
Cùng kỳ hạn gửi tiền, ngân hàng GPBank đang huy động mức lãi suất là 5,85%/năm; còn ngân hàng OCB và VietABank cũng niêm yết mức lãi suất 5,8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
Tại thời điểm khảo sát, ngân hàng ABBank đang huy động mức lãi suất cho kỳ hạn 24 tháng là 5,7%/năm. Lưu ý rằng, mức lãi suất này chỉ áp dụng khi khách hàng tham gia gửi tiết kiệm qua kênh Online – Esaving và ứng dụng AB Ditizen – Msaving. Nếu gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất chỉ còn 5,5%/năm.
Trong tháng này, các khoản tiền gửi có kỳ hạn 24 sẽ được ngân hàng VPBank chia thành 5 hạn mức tiền gửi. Cụ thể, đối với hạn mức tiền gửi dưới 10 tỷ đồng; tiền gửi 1 - 3 tỷ đồng và tiền gửi 3 tỷ - dưới 10 tỷ đồng sẽ được ngân hàng VPBank áp dụng chung mức lãi suất huy động là 5,5%/năm. Đối với hạn mức từ 10 tỷ đến dưới 50 tỷ và trên 50 tỷ đồng, lãi suất tiết kiệm hiện được ngân hàng VPBank quy định là 5,6%/năm.
Đối với hình thức gửi tiền tại quầy, khách hàng của VPBank sẽ được huy động mức lãi suất thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức lãi suất tương ứng trên biểu lãi suất huy động online.
Cùng với đó, khách hàng cá nhân và hội viên Inspire khi tham gia gửi tiết kiệm tại ngân hàng Techcombank kỳ hạn 24 tháng sẽ nhận được lãi suất là 4,8%/năm, khách hàng Priority và khách hàng Private sẽ nhận được lãi suất cao hơn, lần lượt ở mức 4,95%/năm và 5%/năm. So với tháng 7/2024, mức lãi suất này không có sự điều chỉnh.
Ngoài ra, khách hàng có nhu cầu gửi tiết kiệm dài hạn 2 năm có thể tham khảo lãi suất tại một số ngân hàng như: KienlongBank (5,7%/năm); TPBank (5,7%/năm); Nam A Bank (5,7%/năm); Sacombank (5,7%/năm); SHB (5,5%/năm); MB (5,5%/năm); HDBank (5,5%/năm); MSB (5,4%/năm); CBBank (5,4%/năm); PVcomBank (5,3%/năm); VIB (5,2%/năm); DongABank (4,7%/năm)…
Theo ghi nhận, SCB là ngân hàng có lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 tháng thấp nhất trong số 28 ngân hàng thương mại được khảo sát, hiện đang ở mức 3,9%/năm.
Đối với nhóm các ngân hàng quốc doanh, ngân hàng VietinBank và Agribank cùng huy động lãi suất ngân hàng kỳ hạn 24 tháng ở mức 4,8%/năm. Hai ngân hàng còn lại là Vietcombank và BIDV đều niêm yết lãi suất huy động ở mức 4,7%/năm.
Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Theo nhóm phân tích từ Chứng khoán MBS, một trong những yếu tố thúc đẩy lãi suất gửi tiết kiệm đi lên là do tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng của hệ thống đạt khoảng 6%, tăng mạnh trong bối cảnh 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm.
"Điều này đã khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường. Tiếp nối VietinBank, BIDV là ngân hàng thứ 2 trong nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 - 36 tháng được tăng thêm 0,1 điểm phần trăm lên mức 4,9%", nhóm phân tích MBS cho hay.
Chuyên gia của MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn có thể nhích thêm 0,5 điểm phần trăm, quay về mức 5,2 - 5,5%/năm vào cuối năm nay. Dù vậy, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, lãi suất đầu vào đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, lãi suất USD trên thế giới, lợi tức đầu tư so với các kênh chứng khoán, bất động sản, vàng. Mặt bằng lãi suất tìm đến điểm cân bằng mới là phù hợp.
"Mức lãi suất huy động hiện vẫn thấp hơn những năm trước Covid-19, trong đó lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng thấp hơn mức trần quy định. Dự báo mặt bằng lãi suất VND nửa cuối năm có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25 - 0,75 điểm phần trăm tạo đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn. Mặt bằng lãi suất sẽ trong khoảng từ 3%/năm đến 6%/năm vào cuối năm nay, là mức khá hợp lý", theo ông Đinh Đức Quang.