Theo thống kê mới đây của CTCK Bảo Việt (BVSC) trên thị trường mở tuần đầu tiên của tháng 6 đã có 25.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn và NHNN không thực hiện hoạt động phát hành mới.
Do đó, lượng tiền này đã bơm ròng trực tiếp vào thị trường mở và tiếp tục giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào trong tuần vừa qua.
BVSC cũng cho biết lượng tín phiếu đang lưu hành giảm mạnh xuống chỉ còn 2.000 tỉ đồng và sẽ đáo hạn hết trong tuần này. Theo đó, sẽ không còn lượng tín phiếu hay OMO nào lưu hành nếu NHNN không thực hiện phát hành mới trong những tuần kế tiếp.
Lãi suất liên ngân hàng tuần qua tiếp tục giảm ở các kỳ hạn qua đêm và 2 tuần, lần lượt giảm 0,03 điểm % và 0,07 điểm %, đưa lãi suất các kỳ hạn này xuống mức thấp kỉ lục, lần lượt là 0,27%/năm và 0,61%/năm. Ngược lại, lãi suất liên ngân hàng kì hạn 1 tuần lại tăng nhẹ 0,02 điểm % lên mức 0,55%/năm.
Trong tuần đầu tiên của tháng 6, lượng tín phiếu đáo hạn giảm mạnh xuống chỉ còn 2.000 tỷ đồng. Những tuần kế tiếp sẽ không còn lượng tín phiếu lớn nào đáo hạn nữa nên thị trường mở sẽ không còn được bơm ròng mạnh như thời gian vừa qua. Trên cơ sở đó, BVSC cho rằng lãi suất liên ngân hàng có thể đã lập đáy và sẽ sớm bật tăng trở lại.
Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá tại ngân hàng thương mại trong tuần giảm 16 đồng, xuống mức 23.245 VND/USD. Tỷ giá trung tâm cũng giảm 22 đồng, xuống mức 23.260 VND/USD.
Theo BVSC, đồng USD tiếp tục suy yếu trên thị trường thế giới khiến tỷ giá trong nước có xu hướng giảm trong những tuần gần đây. So sánh với mức cao hồi giữa tháng 5, chỉ số Dollar Index đã giảm hơn 3,5%. Đồng USD suy yếu mạnh khi FED liên tục có các động thái bơm tiền mạnh vào thị trường.
Cụ thể, bảng cân đối kế toán của FED đã mở rộng khoảng 3.000 tỷ USD, lớn hơn khá nhiều so với khủng hoảng năm 2008 khi bảng cân đối kế toán của FED chỉ mở rộng thêm khoảng 1.200 tỷ USD.
Theo đó, khối lượng tiền lớn và được bơm trực tiếp vào thị trường đã gây áp lực khiến đồng USD giảm mạnh trong thời gian gần đây. Lãi suất gửi USD qua đêm tại Việt Nam cũng giảm mạnh chỉ còn khoảng 0,2%/năm.