Nhóm bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Tân Hiệp Phát) và các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) tiếp tục đưa ra những lời khai khác nhau liên quan đến khoản tiền 5.190 tỉ đồng.
- Lãnh đạo VNCB tố nhóm Tân Hiệp Phát vay tiền để "đảo nợ"
- Giám đốc Tân Hiệp Phát khai gì về việc gửi tiền tại VNCB
- Dưới thời Phạm Công Danh, VNCB âm vốn chủ 18.469 tỷ đồng
- Bí mật khách hàng VIP gửi tiền, ăn lãi nghìn tỷ
Ngày 27-7, phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT của VNCB) và đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng tại ngân hàng này tiếp tục phần xét hỏi.
Bà Bích khai tại tòa, thời điểm tháng 12-2012, bà có nhu cầu đầu tư nên cầm cố các sổ tiết kiệm để vay tiền tại VNCB. Những người gửi mở sổ tiết kiệm chung với bà Bích ở VNCB là nhân viên của Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Số tiền họ gửi là tiền riêng của họ.
Ảnh Bà Bích tại phiên xử. |
Nhóm bà hợp tác dự án đầu tư nhà máy nên có chung nhu cầu vay tiền. Do đó, ngày 21-6-2013, nhóm bà vay 3.100 tỉ đồng của VNCB với mục đích kinh doanh hộ gia đình.
Sau đó, bà Bích cho Phạm Thị Trang (Trang "phố núi", hiện không có ở Việt Nam) vay số tiền trên với lãi suất 1,5%/tháng. Trang vay tới ngày 21-8-2013 thì trả lại gốc 3.100 tỉ và lãi 60 tỉ đồng. Bà Bích dùng số tiền này tất toán khoản nợ ngày 21-6-2013, giải chấp sổ tiết kiệm. Sau đó, nhóm bà Bích làm thủ tục vay mới khoản tiền 3.100 tỉ đồng.
Ngược lại, bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) khẳng định bà Bích trình bày sai sự thật. Như những lần xét hỏi trước, bị cáo này liên tục nhấn mạnh việc chuyển tiền có sự đồng thuận của bà Bích. Khoản vay ngày 21-8 của nhóm bà Bích nhằm tất toán khoản vay ngày 21-6 mà ông Danh vay của nhóm này trước đó.
Bà Bích không đồng tình: "Số tiền ngày 21-8 tôi dùng tất toán khoản vay ngày 21-6 là do chị Trang trả nợ. Tổng số tiền tôi gửi tại ngân hàng tới ngày 21-8 là hơn 6.000 tỉ đồng. Tiền vay ngày 21-8 tôi không chuyển đi cho bất cứ tài khoản nào. Tổng số tiền tôi cầm cố luôn lớn hơn số tiền tôi vay tại ngân hàng".
Bị cáo Quyết tiếp tục khẳng định thực tế bà Bích vay ra không phải để kinh doanh hộ gia đình mà khoản vay này có sự thỏa thuận từ trước giữa nhóm này với ông Danh. Nhóm bà Bích vay nợ mới để trả nợ cũ chứ không phải có tiền trả rồi mới vay.
Theo Hoàng Yến/Pháp luật TP.HCM