Tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến của VCCI trong việc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… xây dựng và công bố Bộ chỉ số phát triển bền vững (CSI) với 131 chỉ tiêu để bình chọn hằng năm và vinh danh các doanh nghiệp tiêu biểu về phát triển bền vững.
Trong 5 năm qua, với sự kiến tạo phát triển của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 30 bậc, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 20 bậc, GDP bình quân tăng đều trong suốt 20 năm qua. Có được thành công đó là sự đóng góp không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi và đầy sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.
"Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không phân biệt quy mô nhỏ hay lớn, doanh nghiệp trong nước hay FDI, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân… cùng nắm tay nhau vì mục tiêu phát triển bền vững", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, phát triển bền vững được dựa trên 3 trụ cột là hiệu quả kinh tế, hài hoà về xã hội và thân thiện với môi trường. "Nói cách khác, lợi nhuận doanh nghiệp phải đạt được thông qua phụng sự xã hội, vì lợi ích của con người và không làm "đau" trái đất. Đối với doanh nghiệp, những giá trị này đang trở thành sức mạnh cạnh tranh cốt lõi", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Từ gần 500 hồ sơ doanh nghiệp tham dự Chương trình, sau gần 3 tháng khẩn trương đánh giá, chấm điểm sơ khảo và chung khảo của Hội đồng xét duyệt cũng như lấy ý kiến, nhận xét tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp từ các cơ quan chức năng có liên quan, BTC đã lựa chọn ra 100 công ty tiêu biểu của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động thực hiện phát triển bền vững để vinh danh tại Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018.
“Danh sách 100 doanh nghiệp bền vững 2018 được đánh giá, lựa chọn từ hồ sơ của 500 doanh nghiệp. Trong 100 gương mặt tiêu biểu của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được biểu dương, bên cạnh những cái tên quen thuộc, có nhiều doanh nghiệp mới được vinh danh.
Hiện nay, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hưởng ứng tích cực chương trình này. Trong thời gian tới các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tiếp cận bộ chỉ số này, tích cực tiếp cận các chương trình thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam.
Thực tế đã chỉ rõ, các chuỗi giá trị chọn đối tác, người tiêu dùng chọn sản phẩm và dịch vụ, người lao động chọn nơi làm việc... đều hướng tới các giá trị có tính chất nhân văn, bền vững chứ không chỉ quan tâm tới các lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Các doanh nghiệp phát triển bền vững là những doanh nghiệp có thể đưa ra những sản phẩm dịch vụ được thị trường lựa chọn đầu tiên, và cũng là nơi người lao động lựa chọn là nơi làm việc lý tưởng của mình.
Chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam được tổ hàng năm nhằm vinh doanh các doanh nghiệp đi tiên phong và đã đạt được những thành tựu nhất định trong lĩnh vực phát triển bền vững, đồng thời có tác dụng khích lệ các doanh nghiệp tại Việt Nam chú trọng hơn tới phát triển bền vững.