Sẽ sớm được ký kết
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, theo kế hoạch đã được thống nhất, các trưởng đoàn đàm phán của 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP trong đó có Việt Nam đã họp tại Tokyo - Nhật Bản từ ngày 22 đến ngày 23-1 vừa qua. Sau nhiều nỗ lực và cố gắng, các nước đã kết thúc toàn diện nội dung đàm phán Hiệp định CPTPP.
Những vấn đề còn tồn tại sau các cuộc họp tại Đà Nẵng đã được xử lý, trong đó bao gồm các nội dung liên quan đến lao động của Việt Nam, bảo lưu về văn hóa của Canada, bảo lưu về cơ chế dành cho Tập đoàn Petronas của Malaysia… Các nước thống nhất sẽ tiến hành quá trình rà soát pháp lý cũng như hoàn tất các thủ tục nội bộ để chuẩn bị cho việc ký kết vào ngày 8-3 tới tại Chile.
Kết quả đạt được của cuộc họp cấp Trưởng đoàn tại Tokyo thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của 11 nước, đặc biệt là Nhật Bản nhằm kết thúc toàn diện đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và cân bằng sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định.
Kết quả này có ý nghĩa quan trọng, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương…
Bộ Công thương cho biết, trong quá trình đàm phán, Đoàn Việt Nam đã tích cực và chủ động phối hợp với Nhật Bản và các nước CTPPP trong việc xử lý các nội dung tồn tại. Thiện chí này đã giúp tạo động lực cho tiến trình đàm phán và góp phần tích cực vào kết quả chung của cuộc họp.
Đón nhiều cơ hội
Trước đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã phải trì hoãn mất một thời gian khá dài do Mỹ rút khỏi TPP. Tất cả các kế hoạch, chủ trương của một TPP tiến bộ mang tính chất toàn diện trước đó hầu như trở thành vô nghĩa khi Mỹ không còn hiện diện. Đối với riêng Việt Nam, việc Mỹ rút khỏi TPP cũng tạo ra nhiều điều không thuận lợi khi chúng ta đã đặt ra rất nhiều kỳ vọng khi TPP được ký kết và Mỹ là một trong những thành viên.
Việc TPP -11 (hay CPTPP) được khởi động lại và sẽ được ký kết vào tháng 3 tới đây, tiếp tục mở ra cho nền kinh tế Việt Nam những cơ hội mới. Mặc dù không có Mỹ nhưng CPTPP được dự báo sẽ mang lại cho Việt Nam không ít lợi ích, đặc biệt là về tăng trưởng kinh tế.
Theo đánh giá của giới chuyên gia nước ngoài, mặc dù Mỹ nhất định rời bỏ TPP, nhưng ngược lại, rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ lại mong muốn được tham gia Hiệp định này, như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Phillipines... Và nếu CPTPP được mở rộng từ 11 quốc gia lên 16 nền kinh tế, lợi ích của các thành viên sẽ tăng lên gấp 3 lần, đạt mức khoảng 500 tỷ USD/năm - một con số ấn tượng mà bất cứ một nền kinh tế nào cũng mơ tới.
Ở một khía cạnh khác, giới chuyên gia kinh tế nhận định, một lợi ích nữa mà chúng ta có thể đạt được đó là sự cải cách, tiến bộ về thể chế môi trường kinh doanh, khi ký kết hiệp định này, chúng ta buộc phải tuân thủ để có thể đáp ứng được các quy định trong đó.
Điều này cũng được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định; theo đó, CPTPP mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nước nhà, nhưng quan trọng hơn là các lợi ích chưa tính toán được đến từ thúc đẩy cải cách thể chế. Bởi nó tạo ra sự thúc ép về cạnh tranh cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế để chúng ta có tăng trưởng bền vững hơn.
Người đứng đầu ngành Công thương nhấn mạnh: Đúng như cái tên của nó, Hiệp định CPTPP bao trùm các nguyên tắc trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác. Chính vì vậy, Hiệp định mới vừa tạo cơ hội vừa buộc Việt Nam cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh nói riêng và cải cách thể chế nói chung.
Theo Đại Đoàn Kết