Luật du lịch: Sửa đổi có chuyển đổi?

Luật Du lịch (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để ngành du lịch trở thành “con gà đẻ trứng vàng”. Nhưng dự luật có thực sự tạo nên bước chuyển đổi cần thiết để tháo gỡ những nút thắt giúp hiện
Luật du lịch: Sửa đổi có chuyển đổi?

Nút thắt đầu tiên -Quỹ xúc tiến du lịch

Theo ông Phạm Mạnh Cương (Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam), hiện nay ngân sách dành cho xúc tiến du lịch của Việt Nam rất thấp, trung bình 2 triệu USD/năm, chỉ bằng 2,9% của Thái Lan; 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia. Do đó, ông Cương cho rằng, việc thành lập Quỹ xúc tiến du lịch được quy định trong dự luật Du lịch (sửa đổi) là cần thiết và giúp tạo nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam trên thế giới.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt mức doanh thu 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp...

Trên thế giới có nhiều quốc gia/điểm đến đã áp dụng mức thu phí/thuế đối với khách du lịch và khoản thu này được sử dụng để tái đầu tư cho du lịch của nơi đó. Tới đây, một loạt các nước như Malaysia, Myanmar, Osaka (Nhật Bản), các nước châu Âu sẽ đồng loạt áp dụng thuế lưu trú đối với khách du lịch dựa trên trên số đêm lưu trú của khách du lịch, dựa trên từng hạng khách sạn tại quốc gia đó. Xét xu thế chung đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đề nghị bổ sung thêm “nguồn thu từ khách du lịch” để hình thành quỹ. Điều đáng chú ý, dù luật hiện hành đã có quy định về Quỹ này, nhưng thực chất, trong suốt 12 năm qua, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vẫn chưa được hình thành. Do đó, điều được trông đợi lúc này là dự thảo làm rõ nội dung hoạt động chính của Quỹ là xúc tiến du lịch là gì? Nhưng, tiếc là, vẫn chưa có quy định rõ ràng về nguồn thu của Quỹ.

Nhưng vấn đề nảy sinh ở đây, theo góc nhìn của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sơn La lại là, khi Luật chính thức ban hành, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ đóng vai trò thế nào trong quản lý nguồn quỹ này? Và quan trọng hơn nữa là làm sao phát huy hiệu quả được quỹ?

Nhìn từ khía cạnh kinh tế, phải nói rằng “con gà” du lịch Việt Nam vừa chưa “mắn đẻ”, vừa chưa đẻ “trứng vàng” nhiều như các nước trong khu vực.

Bình luận về vấn đề này,Ths Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch CLB du lịch Thủ đô,đưa ra đề xuất, cần áp dụng các kinh nghiệm trên thế giới trong việc đưa đóng góp của khách du lịch vào Quỹ (dưới dạng phí hay thuế), qua đó doanh nghiệp thu hộ nhà nước.

Xác định xúc tiến là nhiệm vụ chính của Quỹ, Ths Đài đề nghị cần phải quản lý Quỹ công khai, dân chủ minh bạch và phải có sự tham gia của Hiệp hội trong việc quản lý, giám sát sự hoạt động của Quỹ. “Nộp phí bao nhiêu % phải do Chính phủ quy định, nếu không thì sẽ khó khả thi”.

Nút thắt thứ hai – Gắn “sao” cho cơ sở lưu trú

Luật du lịch: Sửa đổi có chuyển đổi? ảnh 1

“Việc ra đời Luật du lịch sửa đổi được tất cả các đại biểu Quốc hộ ủng hộ. Bản thân tôi cũng rất ủng hộ đạo luật này. Tôi đặc biệt kỳ vọng Luật Du lịch sửa đổi sẽ xác lập được các hệ thống, tiêu chuẩn căn bản nhất, văn minh tiên tiến nhất để chúng ta phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và kỳ vọng của nhân dân. Tôi chắc chắn sẽ bỏ phiếu thông qua đạo luật này.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Cà Mau

Tự nguyện hay bắt buộc đăng ký xếp hạng khách sạn là câu chuyện đang làm nóng các cuộc bàn luận về thực thi Luật Du lịch (sửa đổi) khi được thông qua sẽ như thế nào? Liệu rằng, để tự nguyện có bảo đảm chất lượng và có giúp cho các cơ sở lưu trú được chủ động trong hoạt động? Hay việc bắt buộc có tạo nên một loại “giấy phép con” làm khó cho môi trường đầu tư?

Nghiêng về đề xuất tự nguyện đăng ký thay vì bắt buộc đăng ký với các cơ sở lưu trú, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên – Huế Đinh Mạnh Thắng cho rằng, các doanh nghiệp nếu thấy có lợi, họ sẽ đăng ký còn chưa thấy có lợi, thì không bắt buộc phải đăng ký làm gì. Điều quan trọng là luật bảo đảm tiêu chí hoạt động đúng chất lượng phục vụ du khách.

Trên thực tế, có khách sạn chưa đủ 40 phòng lưu trú để đạt tiêu chí 3 sao, nhưng chất lượng của họ có thể tương đương với khách sạn 4 sao. Do đó, ông Đỗ Trọng Hiền, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên cũng chia sẻ, đây là vấn đề phù hợp Luật Doanh nghiệp, tự do kinh doanh, do đó việc xếp hạng nâng cao thương hiệu là tùy thuộc vào từng doanh nghiệp. Ông Bùi Quốc Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng cho rằng xếp hạng là một sân chơi, thích thì tham gia không thì thôi. Nên ông cũng tán thành xu hướng tự nguyện tham gia, phù hợp với tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Ấy thế nhưng, cũng là Hiệp hội du lịch, lại có những ý kiến phản bác khác, với lập luận từ góc nhìn của khách du lịch. Theo ông Hoàng Trí Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sơn La, cần phải đặt ra yêu cầu bắt buộc đăng ký với các cơ sở lưu trú “Nếu có tiêu chuẩn bảo hộ khách sạn, cơ sở lưu trú thì mới bảo vệ được quyền lợi của khách du lịch”.

Luật muốn “cởi trói” cho kinh doanh cơ sở lưu trú, nhưng cũng cần phải nhìn nhận, ngoài quyền của người kinh doanh thì quyền của người tiêu dùng cũng phải được bảo đảm để nếu có vấn đề, sẽ có bàn tay của cơ quan quản lý nhà nước xử lý. Ông Hoàng Văn Khuyên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai khẳng định: “Hiện nay, người tiêu dùng và người kinh doanh ở phân khúc từ một sao đến ba sao còn chưa phù hợp. Nếu không bắt buộc đăng ký xếp sao, thì phân khúc này sẽ xảy ra nhiều vấn đề. Tôi cho rằng, bán hàng phải đi kèm với chất lượng, vì thế chỉ có cách minh bạch bằng đăng ký”.

Một điều mà ông Nguyễn Hồng Đài cảm thấy chưa yên tâm với dự Luật Du lịch (sửa đổi), là việc làm sao để có thiết chế để tránh sự hiểu lầm với lữ khách, tránh sự lạm dụng của doanh nghiệp khi tự xếp hạng sao quảng cáo lừa dối trên mạng Internet. Ông Đài còn đề xuất, cần nghiêm cấm hoạt động truyền thông tự xếp sao của doanh nghiệp trong Luật.

Trước hai luồng ý kiến trên, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, sao của khách sạn khẳng định chất lượng dịch vụ, tạo thương hiệu cho doanh nghiệp. Thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ xây dựng bằng sao, mà bằng chính năng lực nên nhiều khách sạn không cần xếp hạng sao cũng có khách. Trên thế giới, xu hướng xếp sao chỉ còn là tình nguyện của những ai muốn được sự bảo hộ của thương hiệu.

Luật du lịch: Sửa đổi có chuyển đổi? ảnh 2

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nhưng thời gian vừa qua, sự phối hợp giữa các ngành cũng chưa thật tốt. Luật Du lịch sửa đổi sẽ có phân công rõ ràng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, của từng ngành…. Từ đó cùng nhau phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 Bà Văn Thị Bạch Tuyết

 Giám đốc Sở Du lịch TP HCM

 Do đó, việc tự nguyện hay bắt buộc không làm ảnh hưởng quyền lợi doanh nghiệp. Chỉ có điều, các doanh nghiệp không được quyền gắn sao, mạo nhận sao. Do đó, quy định tự nguyện xếp hạng sẽ tạo cho các doanh nghiệp thông thoáng trong quá trình kinh doanh và là bước tiến mới trong tiệm cận với ngành du lịch thế giới.

Nút thắt thứ ba- Quản lý đội ngũ hướng dẫn viên

Hiện nay, du lịch Việt Nam có một đội ngũ đông đảo hướng dẫn viên lên đến khoảng 17.000 người. Vốn được coi là đội quân tinh nhuệ và là “linh hồn” của ngành du lịch, nhưng nhiều năm qua, hướng dẫn viên bị nhìn nhận méo mó, quản lý cũng không hiệu quả dẫn đến những ảnh hưởng xấu trong phát triển chung của ngành du lịch. Vì thế, quy định về điều kiện hành nghề với hướng dẫn viên quốc tế và nội địa là vô cùng quan trọng.

Ông Vũ Thế Bình cho hay, theo Luật Du lịch (sửa đổi), tới đây, những người làm trong công ty du lịch sẽ do chính công ty đó quản lý, những người làm hướng dẫn viên tự do sẽ do tổ chức xã hội nghề nghiệp du lịch quản lý. Các hướng dẫn viên muốn hành nghề, bắt buộc phải có thẻ hành nghề và phải có chứng chỉ do tổ chức xã hội nghề nghiệp du lịch cấp. Điều này khiến cho hiệp hội đứng trước nhiệm vụ nặng nề khó khăn khi phải quản lý lượng lớn hướng dẫn viên, mà có những người gần 20 năm nay vốn hoạt động tự do. Giờ đưa đội ngũ này vào khuôn khổ là cả vấn đề.

Nhìn từ khía cạnh kinh tế, phải nói rằng “con gà” du lịch Việt Nam vừa chưa “mắn đẻ”, vừa chưa đẻ “trứng vàng” nhiều như các nước trong khu vực. Do đó, một dự luật với nhiều quy định mới được đánh giá là tạo nên sự chuyển đổi trong tư duy quản lý, có thể sẽ tạo nên động lực phát triển mới. Nhưng đó chỉ là điều kiện “cần”, còn vế điều kiện “đủ” nằm ở việc, các DN có liên kết chặt chẽ để tạo nên sức cạnh tranh cho du lịch Việt hay không? Tình trạng, bằng mặt, chẳng bằng lòng, ngấm ngầm “đi đêm” hạ giá cạnh tranh không lành mạnh sẽ cần phải được chấm dứt. Đó là điều nằm ngoài quy định luật, mà DN không thể không tính đến!

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...