Theo công bố của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), kết quả kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2018 ghi nhận đến hết năm 2018 có hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH, tăng 6,6% so với năm 2017. Thu BHXH trong năm khoảng 223.000 tỷ đồng, đạt 99,36% dự toán Thủ tướng giao. Tổng số thu 3 quỹ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến hết năm 2018 đạt hơn 728.000 tỷ đồng, tương đương 31 tỷ USD.
Nguy cơ mất cân đối
Được biết, các quỹ bảo hiểm do BHXH quản lý đều độc lập với ngân sách Nhà nước, hình thành do sự đóng góp của người lao động, chủ lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước. Để bảo toàn, phát triển, các quỹ này đang được thực hiện dựa trên 4 nguyên tắc chính.
Một là những người tham gia BHXH theo nguyên tắc đóng hưởng, hai là bình đẳng chia sẻ, ba là trên cơ sở có sự điều chỉnh phối hợp giữa thế hệ trước với thế hệ sau, bốn là đầu tư phải an toàn và hiệu quả.
Theo đó, số tiền 728.000 tỷ đồng nói nói trên đang được BHXH Việt Nam chủ yếu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ với khối lượng 620.816 tỷ đồng (chiếm 84,27%). Đầu tư tại ngân hàng thương mại 107.269 tỷ đồng (chiếm 14,73%), trong đó mua trái phiếu chứng chỉ tiền gửi 13.000 tỷ đồng và gửi tiền tại 5 ngân hàng thương mại 94.269 tỷ đồng.
Năm 2018, số lãi dự thu từ hoạt động đầu tư của BHXH Việt Nam khoảng 42.755 tỷ đồng, lãi đã thu 41.977 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản đầu tư vào Công ty cho thuê tài chính ACL1 và ACL2 - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đến nay vẫn mắc kẹt.
Với ACL1, BHXH Việt Nam đã thu hết nợ gốc từ năm 2014, năm 2018 thu được 0,75 tỷ đồng tiền lãi, đến tháng 10/2019 vẫn còn phải thu 23 tỷ đồng tiền lãi. Còn tại ACL2, mặc dù Toà án đã có quyết định tuyên bố phá sản nhưng công ty này vẫn còn nợ BHXH Việt Nam hơn 1.600 tỷ đồng (gốc 769 tỷ đồng, lãi 882 tỷ đồng) và chấm dứt thực hiện tính lãi từ 31/7/2018. Như vậy, nguyên tắc an toàn của quỹ không phải luôn được bảo đảm.
Phải nhấn mạnh rằng, các khoản đầu tư tại ACL1 và ACL2 đã tồn tại trong rất nhiều năm nhưng vẫn chưa thể giải quyết. Đồng nghĩa, hơn 1.600 tỷ đồng do người lao động đóng góp vẫn chưa thể thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội vốn có.
Ngoài các khoản đầu tư thất thoát vào 2 công ty cho thuê tài chính của Agribank, KTNN tiếp tục đưa ra những cảnh báo về nguy cơ mất cân đối các quỹ bảo hiểm dẫn đến bội chi. Có thể kể đến như quỹ hưu trí và tử tuất được dự báo đến năm 2032 sẽ bắt đầu bội chi, đến năm 2049 kết dư quỹ cuối năm bắt đầu âm; quỹ ốm đau, thai sản bắt đầu âm từ năm 2026.
Lương hưu không phải... để làm giàu
Theo ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam hiện nay theo quy định BHXH Việt Nam được sử dụng tiền quỹ để mua trái phiếu Chính phủ, gửi tại các ngân hàng, mua chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng thương mại và đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia. Trong đầu tư vào công trình trọng điểm quốc gia, đến nay BHXH Việt Nam mới sử dụng quỹ để đầu tư vào công trình trọng điểm thủy điện Lai Châu. Công trình này đã đầu tư xong và cơ quan bảo hiểm đã thu hồi xong cả vốn và lãi cho vay đầu tư.
Cũng theo ông Khương, việc sử dụng quỹ BHXH để đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia hiện nay là hiệu quả nhất trong các hình thức sử dụng quỹ để đầu tư nhưng lại cần phản được Thủ tướng đồng ý. Do đó, danh mục đầu tư của BHXH đang bị hạn chế. "Để nâng cao hiệu quả đầu tư các quỹ bảo hiểm, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính nghiên cứu đề án mở rộng lĩnh vực đầu tư quỹ BHXH. Ví dụ như đẩy mạnh đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia, ủy thác đầu tư cả trong và ngoài nước" - ông Nguyễn Đình Khương cho biết thêm.
Thực tế, trong những năm qua, hiệu quả đầu tư từ nguồn tiền của BHXH luôn là mối quan tâm lo lắng của các nhà quản lý cũng như người tham gia bảo hiểm. Sự quan tâm lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở bởi nhìn vào những diễn biến kể trên thì rõ ràng BHXH đã gây ra sự thất thoát lớn, khó thu hồi.
Tại báo cáo kiểm toán, KTNN kiến nghị BHXH Việt Nam nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với khoản nợ đọng của các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn hiện nay không thể thu hồi; tích cực thu hồi các khoản nợ đọng, hạn chế tình trạng nợ phổ biến, kéo dài dẫn đến thất thu các quỹ bảo hiểm để có thể khắc phục tình trạng mất cân đối các nguồn quỹ.
Bên lề một kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, lương hưu không phải để làm giàu mà là đảm bảo an sinh xã hội, tạo sự an tâm cho người lao động, hội đồng quản lý cần công khai, minh bạch việc sử dụng quỹ với nguyên tắc bảo toàn vốn. BHXH có thể mang tiền đi đầu tư nhưng việc giám sát quỹ nên thông qua hình thức cấp thẻ an sinh xã hội để người lao động biết số tiền đóng góp, tỷ lệ sinh lời cũng như mức điều chỉnh tỉ lệ đóng góp ra sao để khi về hưu, mức lương của họ không thấp hơn đời sống thực tế.