Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chấp thuận về việc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) thành lập ngân hàng 100% vốn tại Campuchia.
Theo đó, tên đầy đủ bằng tiếng Việt của công ty con là Ngân hàng đại chúng TNHH MB Campuchia; Tên đầy đủ bằng tiếng Anh: MB Cambodia Bank, Public limited Company; Tên viết tắt: MBCambodia.
Địa điểm đặt trụ sở ngân hàng 100% vốn tại Campuchia: Số 146, Đại lộ Preah Norodom, phường Tonle Basak, quận Chamkar Mon, thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia.
Đặc biệt MB có trách nhiệm thực hiện chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh tại Campuchia theo quy định của pháp luật Campuchia và các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam; có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu MB có trách nhiệm thực hiện các thủ tục khai trương hoạt động ngân hàng 100% vốn tại Campuchia theo quy định của pháp luật Campuchia. Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày ký các văn bản này, MB phải khai trương hoạt động ngân hàng 100% vốn tại Campuchia đã được chấp thuận nêu trên.
Kế hoạch chuyển đổi chi nhánh tại Campuchia thành ngân hàng thương mại 100% vốn đã được MB công bố từ đầu năm 2021. Ngoài ra, MB còn có kế hoạch chuyển nhượng từ 36% - 49% vốn điều lệ của ngân hàng con cho đối tác chiến lược nước ngoài để triển khai Chiến lược kinh doanh mới.
Về kết quả kinh doanh, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Đại tá Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB, cho biết 6 tháng đầu năm, doanh thu toàn tập đoàn xấp xỉ 29,9 nghìn tỷ đồng với lợi nhuận 11 nghìn 920 tỷ đồng. Trong đó riêng ngân hàng đạt gần 17,8 nghìn tỷ đồng, tăng 23% và lợi nhuận đạt 10 nghìn 666 tỷ đồng; các công ty thành viên đạt doanh thu gần 12 nghìn tỷ đồng, tăng 42% và đóng góp 13% lợi nhuận toàn tập đoàn.
Bên cạnh đó tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,94%; chỉ số ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) đạt 27%; hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu) đạt 10,9%... Đặc biệt đối với ngân hàng, số lượng tài khoản mới và app MBBank mới là 3,5 triệu khách hàng, và dự kiến năm nay sẽ đạt 7-8 triệu khách hàng mới. Đáng chú ý với MB Bank là chi phí dự phòng rủi ro đã thay đổi đáng kể, ở mức khoảng 10%/doanh thu thuần trước rủi ro; tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng là 380%, nghĩa là cứ “một đồng nợ xấu thì có 3,8 đồng dự phòng”.
Ngoài ra các mảng tăng trưởng ấn tượng khác của công ty thành viên như: Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) tăng trưởng 74%, đạt doanh thu 600 tỷ đồng; CTCP Chứng khoán MB (MBS) tăng trưởng 39%, đạt doanh thu 400 tỷ đồng; Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản (MB AMC) tăng trưởng 47%, đạt 240 tỷ đồng; CTCP Quản lý Quỹ đầu tư MB (MB Capital) tăng trưởng 298%, đạt 176 tỷ đồng; Tổng CTCP Bảo hiểm quân đội (MIC) đạt 102 tỷ đồng; Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas Life) đạt 33 tỷ đồng.
Cũng theo Đại tá Lưu Trung Thái, 6 tháng cuối năm toàn tập đoàn sẽ phấn đấu đạt lợi nhuận thêm 12 nghìn tỷ đồng, lũy kế cả năm lợi nhuận sẽ khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Trong đó riêng ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20%, huy động vốn tăng 16%, doanh thu tăng thêm 27% và lợi nhuận của ngân hàng vẫn sẽ khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng.
Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 23% so với năm 2021 đạt 20.300 tỷ đồng , nâng vốn điều lệ lên 46.882 tỷ đồng.