Thông tin này được ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, đưa ra tại buổi tọa đàm "Giải pháp thanh toán thông minh phục vụ giao thông hiện đại" được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 20/5, tại Hà Nội.
Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm mang đến cái nhìn tổng thể và toàn diện về thực trạng cũng như các giải pháp cải thiện hệ thống thẻ vé trong giao thông công cộng, không chỉ tại Hà Nội mà còn trên phạm vi toàn quốc.
Theo ông Đỗ Việt Hải, hiện nay, Chính phủ đã có các quy định về không dùng tiền mặt, nhằm tạo sự thuận tiện, văn minh, thân thiện, minh bạch cho người tham gia giao thông đối với hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng.
Hệ thống thẻ vé điện tử liên thông không chỉ dừng lại ở giao thông vận tải hành khách công cộng mà còn kết nối với các loại hình giao dịch khác trong tương lai. Đồng thời, đây còn là một trong những mục tiêu mà Sở Xây dựng Hà Nội đang cố gắng phấn đấu đạt được, nhằm hiện thực hóa nội dung này.
Hiện nay hệ thống thẻ vé của tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông và tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội trên cao là hai hệ thống độc lập và không có sự liên kết, liên thông với nhau.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng đặt tiêu chí, mục tiêu hàng đầu là hệ thống thẻ vé liên thông đó phải thuần Việt và người Việt phải làm chủ hệ thống thẻ vé liên thông này.
Về vấn đề này, theo ông Hải đánh giá đây là cả một quá trình rất phức tạp. Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cho rằng, các khó khăn kỹ thuật đã cơ bản được ngành xây dựng giải quyết. Quyết định số 3680 ngày 16/7/2024 của UBND thành phố Hà Nội đã ban hành hình thức quản lý và hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cho hệ thống vé điện tử. Trong tương lai, người dân hoàn toàn có thể sử dụng căn cước công dân như một loại thẻ thanh toán khi đi lại, tích hợp với VNeID hoặc các thẻ ngân hàng.
Dự kiến, hệ thống vé liên thông sẽ chính thức khai trương vào ngày 2/9, không chỉ áp dụng cho các tuyến vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội mà còn có khả năng mở rộng liên kết trên phạm vi toàn quốc.
Hệ thống cũng sẽ tích hợp với các thẻ thanh toán quốc tế như Visa... Sau khi xây dựng xong khung kỹ thuật, điều kiện tiên quyết để vận hành hiệu quả là xây dựng chính sách giá vé linh hoạt, phù hợp theo khung giờ, mùa vụ và đối tượng hành khách. Mục tiêu cuối cùng là thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng nhiều hơn.
Qua một năm thử nghiệm, Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá mục tiêu này đã cơ bản được hoàn thiện và hiện chỉ còn bước triển khai đồng bộ trên toàn thành phố Hà Nội.
Cũng tại buổi toạ đàm, ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị metro Hà Nội cho biết, ở Hà Nội và TP.HCM đang sử dụng hệ thống thu soát vé tự động.
Ở Hà Nội, từng tuyến có hệ thống riêng nên người dân sử dụng vé tháng sẽ rất thuận tiện, ổn định nhưng nếu mua vé lượt sẽ phải đến nhà ga rồi đưa tiền cho nhân viên bán vé hoặc mua bằng máy bán vé. Ngoài ra, thẻ vé của hai tuyến chưa liên thông được với nhau.
Ông Hùng đánh giá, đây là hai điểm bất tiện, tạm gọi là nhược điểm của việc mua vé để sử dụng tàu điện trên cao tại Hà Nội.
Đối với hệ thống thu soát vé tự động của cả hai tuyến đường sắt trên cao tại Hà Nội nếu hoạt động đơn tuyến rất tin cậy, việc xử lý thông tin rất chính xác và tốc độ đóng mở cửa rất nhanh, bởi thông tin đơn giản.
"Đấy là ưu điểm lớn nhất của hệ thống này. Đặc biệt trong giờ cao điểm, hành khách phải đi ra, đi vào cổng rất nhiều nên hệ thống càng đơn giản, đóng mở càng nhanh thì thoát càng nhanh", ông Hùng nói.
Chủ tịch Hội đồng quản trị metro Hà Nội thông tin thêm, hiện nay, Cục Cảnh sát C06, Bộ Công an là đơn vị chủ lực phối hợp với thành phố Hà Nội, TP.HCM, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính thực hiện phương án sử dụng VNeID để mua vé. Dự kiến, khoảng 15/9 sẽ phải đưa hệ thống này vào hoạt động.
"Riêng hai tuyến của Hà Nội thì tuyến 2A hiện nay đã hết bảo hành, thành phố sẵn sàng mời Bộ Công an vào cùng phối hợp để làm càng nhanh càng tốt. Còn tuyến 3.1 vẫn trong thời gian bảo hành đến cuối năm nay, do đó địa phương đề xuất lùi thời điểm triển khai để đảm bảo yêu cầu về mặt kỹ thuật của hợp đồng bảo hành", ông Hùng chia sẻ.