Chủ đầu tư Metro số 1 thông tin về việc nhà thầu Hitachi yêu cầu bồi thường 4.000 tỷ đồng

Tại dự án Metro số 1 việc khiếu nại xảy ra ở tất cả các gói thầu của dự án trong suốt quá trình triển khai thực hiện từ trước đến nay...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chủ đầu tư Metro số 1 thông tin về việc nhà thầu Hitachi yêu cầu bồi thường 4.000 tỷ đồng
Chủ đầu tư Metro số 1 thông tin về việc nhà thầu Hitachi yêu cầu bồi thường 4.000 tỷ đồng

Ngày 6/6/2024, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã có văn bản thông tin về việc bị nhà thầu Hitachi kiện, đòi bồi thường do dự án Metro số 1 chậm tiến độ tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, các hợp đồng triển khai thi công thực hiện dự án Metro số 1 là hợp đồng áp dụng mẫu FIDIC (Hiệp hội tư vấn kỹ sư quốc tế).

Theo các quy định của hợp đồng FIDIC, nhà thầu tự cho rằng mình có quyền đòi hỏi các chi phí khi nhận thấy trong quá trình thi công có những điểm khác biệt so với thông tin khảo sát ban đầu hoặc nhà thầu cho rằng kế hoạch thực hiện hợp đồng của họ bị thay đổi so với kế hoạch ban đầu, gây bất lợi cho họ. Khi đó, nhà thầu sẽ gửi khiếu nại đến chủ đầu tư yêu cầu chi phí.

MAUR thông tin, việc khiếu nại trong các dự án áp dụng mẫu của hợp đồng FIDIC là rất phổ biến trên thế giới và việc xử lý các khiếu nại luôn được quy định rõ trong các hợp đồng.

"Đối với dự án Metro số 1 thì việc khiếu nại xảy ra ở tất cả các gói thầu của dự án trong suốt quá trình triển khai thực hiện từ trước đến nay", MAUR cho biết.

Theo trình tự được quy định trong hợp đồng, tư vấn chung với vai trò đại diện chủ đầu tư và kỹ sư sẽ đánh giá các khiếu nại của nhà thầu về tính hợp lý và chi phí. Hiện nay, đa phần các khiếu nại của nhà thầu đã được Tư vấn chung bác bỏ do không có đủ căn cứ pháp lý.

Tuy nhiên, trong trường hợp không hài lòng, theo hợp đồng, nhà thầu có quyền đề nghị thành lập ban xử lý tranh chấp hoặc đề nghị Trọng tài thương mại xem xét theo đúng các điều khoản đã ký trong hợp đồng cho các nội dung khiếu nại.

Trong suốt quá trình thực hiện dự án Metro số 1 từ trước đến nay, đối với các khiếu nại và phát sinh hợp lý, sau khi tư vấn chung đánh giá, chủ đầu tư đã tiến hành giải quyết thanh toán cho các nhà thầu. Đối với những khiếu nại chưa thống nhất được, các bên vẫn đang giải quyết thông qua trung tâm trọng tài.

Những ngày qua, MAUR và nhà thầu đang bàn bạc giải pháp giải quyết các khiếu nại thông qua Ban Xử lý tranh chấp. Tuy nhiên, quá trình xử lý là thông tin mật nên MAUR không thể cung cấp thông tin chi tiết. Dù vậy, quá trình đều được MAUR báo cáo đầy đủ cho cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo.

Mặc dù có khiếu nại phát sinh nhưng MAUR khẳng định công tác thi công tuyến Metro số 1 vẫn theo tiến độ thống nhất với các nhà thầu và tư vấn Nhật Bản.

Trước đó, nhà thầu Hitachi đã khởi kiện MAUR tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) với yêu cầu gia hạn thời gian hoàn thành ít nhất 2.773 ngày và chi phí bồi thường khoảng 527 tỷ đồng.

Cùng với đó, nhà thầu Hitachi yêu cầu các chi phí phát sinh cho việc gia hạn thời gian hoàn thành. Tính đến hiện tại, các khiếu nại chi tiết tạm thời mà nhà thầu đệ trình có tổng chi phí vào khoảng 23,721 tỷ Yên, tương đương gần 4.000 tỷ đồng.

Theo MAUR, chi phí này chỉ là đơn phương từ phía Hitachi, chưa phản ảnh được những chậm trễ do chính nhà thầu gây ra cho dự án và cần phải được Tư vấn chung đánh giá.

Về thời gian vận hành tuyến Metro số 1, giữa tháng 3/2024, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) gửi Văn phòng UBND TP.HCM về thực hiện nhiệm vụ và giải quyết khó khăn, vướng mắc của đơn vị này.

Thời điểm cuối năm 2023, MAUR dự kiến thời gian vận hành thương mại Metro số 1 từ tháng 7/2024. Nhưng với kế hoạch mới nhất, Metro số 1 sẽ lùi thời gian chạy thương mại vào quý 4/2024.

Tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên được khởi công năm 2012 với độ dài 19,7 km. Đến 2019, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư tăng lên hơn 43.700 tỷ đồng và lùi tiến độ hoàn thành và khai thác thương mại vào quý 4/2021, nhưng lại tiếp tục kéo dài do dịch Covid - 19, chậm ký kết phụ lục hợp đồng tư vấn.

Có thể bạn quan tâm